Thấy vậy, anh em họ tộc, dân làng lời ra, tiếng vào. Biết chuyện, chị Thoa chỉ cười rồi bảo: "Các cụ chẳng bảo giàu con út, khó con út rồi sao. Được bên nhà chồng chia cho ít đất thế này là may rồi, còn hơn những người, cha mẹ nghèo, chẳng cho thứ gì!”.
Đúng là ông bà Vui có phúc khi có người con dâu đẹp người, tốt nết, chị Thoa yêu chồng, thương con, chịu khó làm ăn và thường xuyên lui tới chăm sóc cha mẹ chồng.
Đặc biệt, khi ông bà Vui ốm đau, nhất là bà Vui ngã bệnh tai biến nằm liệt giường, chỉ có một tay chị Thoa là người chăm sóc, trong khi những người con trai, con gái, con dâu khác chỉ thi thoảng qua lại vì lý do bận công tác, bận làm ăn.
Thấy thế, có người nói: "Chị Thoa thiệt thòi quá, của nả thì chẳng được chia, giờ ông bà già yếu lại phải lo toan. Chăm người ốm liệt đâu có dễ. Mày cũng cần phải lên tiếng với các anh, các chị, cha mẹ của chung cơ mà”.
Trước những câu nói ấy, chị lại cười hiền: "Đúng là chăm sóc người tai biến nặng không dễ nhưng chăm sóc cha mẹ mình mà. Con cái phải phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu mới phải đạo chứ ạ. Nhiều người không còn cha mẹ mà phụng dưỡng ấy chứ, mình còn cha mẹ để phụng dưỡng cũng là may mắn, phúc đức rồi”.
Bệnh tình bà Vui nặng thêm rồi qua đời, được một thời gian ngắn sau, ông Vui cũng theo bà về với tổ tiên. Đám tang được anh em, con cháu tập trung tổ chức rất chu đáo. Khi mọi việc đã xong, một cuộc họp gia đình diễn ra.
Người anh cả lên tiếng trước: "Khi cha mẹ đau ốm, cả nhà cùng quan tâm chăm sóc. Khi cha mẹ nằm xuống, tất cả cùng lo ma chay, thế là tốt rồi. Về chi phí tang lễ sẽ được chia đều cho mọi người con; về tiền phúng viếng, khách của ai thì người đó thu về”.
Nói đến đây, anh cả dừng lại xem ý mọi người thế nào thì một người con gái lên tiếng: "Em là phận gái mà các bác bắt em đóng góp tiền làm tang lễ bằng với các anh, các chú thì có phần hơi thiệt. Tuy nhiên, em cũng sẽ tán thành vì phương án chia tiền phúng viếng theo cách ấy là em thấy ổn”.
Đến đây, bác cả tiếp: "Giờ còn việc rất quan trọng nữa là cúng cơm cho cha mẹ trong vòng 49 ngày. Thôi, vợ chồng nhà Hùng Thoa ở gần đây, cô Thoa làm nghề tự do thì lo giúp; chi phí thì cũng chẳng đáng là bao”.
Phải lo lau dọn bếp ăn nên chị Thoa tham dự cuộc họp hơi muộn, chị đứng tựa cửa buồng chăm chú nghe ý kiến mọi người; chồng chị ngồi im từ đầu, giờ mới thủng thẳng: "Chăm ông bà lúc ốm đau, bệnh tật mới khó chứ, giờ đến việc cúng cơm thì có gì mà phải bàn nhiều. Đang dịch Covid-19, nhà em không đi làm thuê được, có nhiều thời gian nên qua đây làm cơm, hương nhang cho ấm cúng, các bác ạ!”.
Không khí bỗng trầm lặng xuống. Đúng lúc ấy, cán bộ văn phòng luật sư xuất hiện. Họ đến để công bố chúc thư của ông bà Vui lập tại văn phòng công chứng từ mấy năm trước.
Nhấp chén trà, người con trai cả của ông bà Vui trịnh trọng tuyên bố: "Tôi chưa biết di chúc của bố mẹ để lại có nội dung như thế nào nhưng ngay sau lễ 49 ngày, toàn bộ tài sản và ngôi nhà này sẽ được chuyển giao lại cho chú thím Hùng Thoa. Nếu điều này đồng thuận với mong muốn của ông bà thì rất đáng mừng; nếu không đúng thì xin phép ông bà, chúng con sẽ làm theo điều mà chúng con thấy là đúng! Tôi quyết như vậy, mong các cô, các chú, các thím đồng thuận”.
"Vâng bác nói thế thì vợ chồng em nghe theo", tiếng người con gái thứ hai của bà Vui khá nhỏ nhẹ. Đến đây, ông luật sư mỉm cười rồi bảo: "Tâm nguyện của các cụ nhà ta cũng là như vậy”. Rồi ông mở chúc thư đọc cho mọi người nghe. Trên ban thờ, di ảnh ông bà Vui cười hiền từ, phúc hậu.
Tấn Đạt