Qua rà soát, toàn huyện Văn Chấn có gần 25.000 hộ dân tộc thiểu số với trên 110.000 nhân khẩu. Giai đoạn 2015 - 2020, toàn huyện có trên 2.000 cặp đăng ký kết hôn, trong đó gần 120 cặp tảo hôn, 5 cặp hôn nhân cận huyết thống… tập trung chủ yếu vùng đồng bào dân tộc Mông ở các xã: Suối Bu, Suối Giàng, Sùng Đô.
Bà Sùng Thị Xía - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu cho biết: "Vận động nhân dân phát triển kinh tế gắn với xóa bỏ hủ tục lạc hậu là mục tiêu chính trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương những năm qua. Thông qua tuyên truyền, nhận thức đồng bào dân tộc Mông đã có những chuyển biến rõ rệt, không còn tục bắt vợ, không thách cưới cao, không hôn nhân cận huyết thống… Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn ở một bộ phận giới trẻ”.
Trước thực trạng trên, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường quản lý, chủ động nắm bắt tình hình ở cơ sở, kịp thời phát hiện sớm và ngăn chặn nạn tảo hôn. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên, cán bộ chuyên trách dân số thôn, bản thường xuyên tuyên truyền với phương châm "mưa dầm thấm lâu”.
Chị Vàng Thị Khánh - cán bộ chuyên trách dân số thôn Ba Cầu, xã Suối Bu chia sẻ: "Chúng tôi thường lồng ghép tuyên truyền đến người dân trong các buổi họp thôn, bản; tập trung vào tầng lớp thanh, thiếu niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nắm được những chính sách về dân số, hậu quả của tình trạng TH&HNCHT. Qua đó, nhận thức của hơn 110 hộ dân trong thôn đã được nâng cao, vài năm trở lại đây, Ba Cầu không có cặp nào TH&HNCHT”.
Hiện nay, Văn Chấn còn 24 xã, thị trấn, trong đó có 14 xã đặc biệt khó khăn với 213 thôn, bản sau khi chia cắt địa giới hành chính; trên 80% số thôn, bản có từ 40 - 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Cát Thịnh là xã trung tâm thuộc vùng ngoài huyện với 6 thôn, bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống như: thôn Pín Pé, Làng Lao, Táng Khờ 1… song những năm gần đây, nhận thức của người dân đã có những bước chuyển rõ nét.
Nhờ hạ sơn xuống khu tái định cư, triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất, người dân ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu, đây cũng là những điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Đề án.
Cùng với tuyên truyền, vận động đồng bào vùng cao thực hiện nếp sống văn minh, huyện Văn Chấn còn phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, người có uy tín, các tổ chức quần chúng tại cơ sở… trong giáo dục, thuyết phục những trường hợp có thể TH&HNCHT; công tác quản lý, thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực vi phạm TH&HNCHT được quan tâm.
Bà Phạm Thị Tuyết - Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: "Chúng tôi luôn chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu UBND huyện trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ dân trí, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu…, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng TH&HNCHT trong nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”.
Có thể khẳng định, việc triển khai Đề án trên địa bàn huyện Văn Chấn đã đi vào cuộc sống và mang lại những hiệu quả thiết thực. Ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân và gia đình của đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực cho tương lai.
Trần Ngọc