Như chúng ta đã biết, nước sạch và nhu cầu vệ sinh của con người là vấn đề cơ bản hàng ngày và đang trở thành đòi hỏi cấp bách trong bảo vệ sức khỏe và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân cũng như trong sản xuất công, nông nghiệp...
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm Đảng, Nhà nước đều dành nguồn ngân sách đáng kể để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cho người dân từ vùng thấp đến vùng cao, từ thành thị đến nông thôn.
Dù vậy, hiện nay cả nước vẫn còn 60% dân số nông thôn sử dụng nước không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và một nửa số hộ dân nông thôn không có nhà tiêu. Từ đó, các bệnh có liên quan tới nước và vệ sinh như tiêu chảy, giun, đường ruột rất phổ biến và chiếm tỷ lệ cao.
Học sinh các Trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện Văn Yên thực hiện giữ gìn vệ sinh và tiết kiệm nước trong sinh hoạt để tưới rau. (Ảnh: Hoài Văn)
Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh đang trở thành đòi hỏi cấp thiết và có quy mô rộng lớn trong những năm tới. Từ những đòi hỏi của thực tiễn, ngày 24/12/1996, tại Công văn số 6610/QHQT Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ có liên quan và Ban Chỉ đạo quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường tổ chức nghiên cứu Chiến lược quốc gia về Cấp nước sạch và Vệ sinh nông thôn (CNS&VSNT). Năm 1998, đã soạn thảo Chiến lược quốc gia về CNS&VSNT đến năm 2020. Ngày 25/8/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về CNS&VSNT đến năm 2020.
Chiến lược tập trung giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và các nhu cầu vệ sinh trong gia đình và được áp dụng cho tất cả các vùng nông thôn trong cả nước. Chiến lược sẽ góp phần thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp - nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mục tiêu là tăng cường sức khỏe cho dân cư nông thôn bằng cách giảm thiểu các bệnh có liên quan đến nước và vệ sinh nhờ cải thiện việc cấp nước sạch, nhà vệ sinh và nâng cao thực hành vệ sinh dân chúng; nâng cao điều kiện sống cho người dân nông thôn thông qua việc xây dựng và sử dụng các công trình cấp nước và vệ sinh hiện nay, làm giảm bớt sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; giảm tình trạng ô nhiễm do phân người và gia súc chưa được xử lý, làm ô nhiễm môi trường, cũng như giảm ô nhiễm hữu cơ các nguồn nước…
Phấn đấu trong năm 2020 này tất cả dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh nhờ huy động cộng đồng tham gia mạnh mẽ và áp dụng cách tiếp cận dựa theo nhu cầu.
Cán bộ Chi cục thủy lợi trực tiếp truyền thông về sử dụng nước sạch tại Trạm Y tế xã Đông An. (Ảnh: Minh Huyền)
Yên Bái là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, sâu sát của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự góp công của toàn xã hội trong vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn cũng như bảo vệ và cung cấp nước sạch cho người dân, đến nay số hộ dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 67%; tỷ lệ trạm y tế có nhà tiêu và giếng nước hợp vệ sinh đạt trên 94% và gần 90% nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng nước, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân mà còn góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về CNS&VSNT trên nguyên tắc cơ bản là phát triển bền vững, phát huy nội lực dựa trên nguyên tắc người sử dụng phải đóng góp phần lớn kinh phí xây dựng công trình và toàn bộ kinh phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng và quản lý, do đó họ cần được vay vốn để xây dựng công trình. Các hộ gia đình dành một phần thu nhập thỏa đáng (3-5%) đầu tư cho công trình cấp nước và vệ sinh. Người sử dụng sẽ trả một phần chi phí xây dựng công trình (ít nhất là 25 - 30%) và chỉ được vay 70-80% chi phí xây dựng công trình. Thời hạn từ 3 năm đến 5 năm, có thể đến 15-20 năm đối với hệ thống nước tập trung. Khuyến khích khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung với chính sách ưu đãi như giảm thuế hoặc miễn thuế, được vay một phần vốn với lãi suất thấp.
Đồng thời có chính sách bảo hộ người đầu tư… Hỗ trợ người nghèo và gia đình thuộc diện chính sách một phần kinh phí cho xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh. Mức hỗ trợ có thể tăng đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn về cấp nước và vệ sinh như vùng bị hạn hán, nơi khan hiếm nguồn nước, vùng bị nhiễm mặn, vùng núi cao, vùng bị ô nhiễm, vùng lũ lụt…
Chiến lược quốc gia về CNS&VSNT được bắt đầu thực hiện thí điểm ở 15 tỉnh trong 2 năm đầu tiên, sau đó phát triển ra 46 tỉnh còn lại.
Ngọc Trúc