Xã An Bình, huyện Văn Yên vừa đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân có những đổi thay rõ nét. Để đạt kết quả đó, chính quyền xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân. Với tiêu chí số 17 về môi trường, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở và môi trường xung quanh sạch sẽ. Đối với rác hữu cơ, ở mỗi gia đình, tập thể có thùng hoặc bể chứa rác, có tiến hành thu gom đảm bảo; rác thải y tế sẽ được phân loại để xử lý.
Giáo viên Trường Mầm non xã An Bình, huyện Văn Yên thu gom rác đúng nơi quy định.
Nhằm hướng đến một nền nông nghiệp không rác thải nguy hại, xã An Bình cũng đã huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và sự hỗ trợ của doanh nghiệp xây dựng được 14 hố thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại 5 thôn trên địa bàn. Việc làm này góp phần thay đổi dần thói quen vứt rác thải nông nghiệp ngay tại bờ ruộng, góc vườn sau khi sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.
Tân Nguyên là xã vùng 3 của huyện Yên Bình, có 1.340 hộ, 5.430 khẩu; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%. Những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước và các chương trình, dự án, công tác nước sạch và vệ sinh môi trường của xã đã có những đổi mới. Hiện nay, hơn 90% hộ dân trong xã đã được dùng nước hợp vệ sinh. Điểm chính các trường học, trạm y tế, nơi làm việc của cơ quan xã đều sử dụng nước hợp vệ sinh và có các công trình phụ đảm bảo tiêu chí.
Các hộ thường xuyên kiểm tra, vệ sinh đường ống nước, sử dụng tiết kiệm nước.
Tân Nguyên cũng chủ động các biện pháp vệ sinh môi trường như thành lập đội thu gom rác thải tại thôn, triển khai xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ người dân làm nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Qua đó, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 80%, hộ gia đình đảm bảo tiêu chí "3 sạch" đạt trên 79%.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 460 tấn rác thải sinh hoạt. Các địa phương đã chủ động xây dựng nhiều mô hình thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, tích cực tuyên truyền người dân không xả thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không sử dụng chất thải tươi làm phân bón, hạn chế tối đa sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường; sử dụng tiết kiệm nước, thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng đường ống tránh rò rỉ; thu gom rác thải, chất thải xử lý theo đúng quy trình không để xả tràn lan ra môi trường. Những hoạt động thiết thực này đã giúp nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của người dân để xây dựng môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp.