STEM là viết tắt của các từ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Chỉ mới thành lập được gần một năm học, Câu lạc bộ (CLB) STEM của Trường đã có nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo KHKT, thu hút hơn 40 học sinh tham gia, với sự cộng tác, hỗ trợ của 9 thầy cô trong nhà trường.
Có thể nói, giáo dục STEM không đơn thuần trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và Toán học… mà những kiến thức và kỹ năng đó phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu về nguyên lý mà còn áp dụng thực hành, chế tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
Đây là xu thế giáo dục hiện đại của các nước phát triển giúp học sinh tiếp cận với cuộc cách mạng khoa học 4.0, góp phần thúc đẩy giáo dục công nghệ cao trong nhà trường hiện nay.
Tại phòng sinh hoạt của CLB STEM Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, chúng tôi được tận mắt xem thầy cô hướng dẫn học sinh thực hành lắp ráp bộ vi mạch điện tử cho mô hình ô tô. Các nhóm cùng tranh luận sôi nổi, đóng góp ý kiến để tạo ra sản phẩm hoàn thiện nhất. Cũng trong buổi sáng hôm ấy, CLB STEM nhận được tin vui khi lọt top 45 trường trên toàn quốc đi tiếp vào vòng hai Cuộc thi ý tưởng sáng tạo và thiết kế ô tô do Công ty Vinfast khởi xướng và tổ chức mang tên "Cuộc đua Vinfast- F1”.
Theo thầy Trần Việt Khoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường: "Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà CLB STEM cần chú ý chính là sự kết nối đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh và giữa giáo viên với giáo viên. Ngoài ra, giáo dục STEM cần xây dựng theo hướng trở thành nòng cốt hỗ trợ thành viên cho các cuộc thi KHKT cấp tỉnh, cấp quốc gia, để các dự án sáng tạo khoa học kỹ thuật thật sự có hiệu quả, giúp ích cho cuộc sống và thu hút nhiều học sinh tham gia. Học sinh đến với CLB cần chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết và không ngừng học tập để nâng cao kỹ năng khoa học, lan tỏa đam mê nghiên cứu sáng tạo. Để giáo dục STEM không gò bó, cứng nhắc, khô khan học sinh cần nhận thức rõ về cuộc sống, kỹ năng khoa học và đặc biệt là khả năng chọn nghề nghiệp tương lai”.
Với giáo dục STEM, học sinh không còn thụ động tiếp thu kiến thức hay rập khuôn máy móc theo các kỹ năng mà giáo viên hướng dẫn. Các em được sáng tạo, tư duy logic, tăng hiệu suất học tập, có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện. Xa hơn, giáo dục STEM chắp cánh để học sinh có thể trở thành những nhà sáng chế, chế tạo trong tương lai. Muốn thế, giáo dục STEM cần vận dụng các phương pháp học tập chủ yếu trên thực hành và các trải nghiệm sáng tạo, phương pháp giáo dục tiến bộ, linh hoạt qua các dự án, chủ đề, chuyên gia, các trò chơi, ứng dụng thực hành... Mỗi môn học có sự kết nối liên ngành, ứng dụng trong cuộc sống thực, kết nối rộng hơn với thế giới.
Được biết, tới đây Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành sẽ tổ chức Ngày hội STEM với các chuyên đề: "STEM với cuộc sống”, "STEM với ý tưởng tự động hóa”, "STEM và 4.0”... Khi mới tham gia vào nhóm hướng dẫn giáo dục STEM, các thầy cô tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên sâu nhằm chia sẻ và tháo gỡ khó khăn vướng mắc ban đầu. Dành thời gian tìm hiểu và bắt tay thực hiện các dự án, thầy cô đều cảm thấy giáo dục STEM là một hình thức học trải nghiệm đầy thú vị cho cả thầy và trò.
Cuộc thi "Cuộc đua Vinfast- F1” là một ví dụ, thầy cô hướng dẫn học sinh hoàn thiện các yêu cầu đặt ra như thiết kế và lắp ráp vỏ cho xe mô hình, lắp bộ vi mạch điện tử, thiết kế đường đua và các chướng ngại vật... Với vai trò là người hướng dẫn, giáo viên khuyến khích học sinh đưa ra các ý tưởng, để học sinh đánh giá tính khả thi, phản biện, lựa chọn mô hình thiết kế và tự phân công nhau thực hiện nhiệm vụ... Tất cả các em nhận thức được sự gắn kết giữa các môn học, ứng dụng thực tiễn của từng bộ môn cho các phần thiết kế khác nhau. Giáo viên chỉ giữ vai trò tổ chức, học sinh là người trực tiếp thực hiện các phần thi. Như ở phần thiết kế vỏ xe, lắp bộ vi mạch điện tử, thiết kế mê cung đường đua và chướng ngại vật, học sinh cần vận dụng kiến thức môn Vật lý, Kỹ thuật để hoàn thiện. Nhưng đến phần vận hành thì học sinh cần đến kiến thức môn Tin học giúp mô hình tự cảm biến và có thể vận hành trong mê cung.
Em Nguyễn Thành Đạt, học sinh Lớp 11 Chuyên Vật lý, thành viên tham gia "Cuộc đua Vinfast-F1" hào hứng chia sẻ: "Điều mà chúng em thấy phấn khích nhất là được tìm hiểu sâu về KHKT, càng nghiên cứu, khám phá, càng say mê hơn. Thay vì ngồi hàng giờ trên lớp để học lý thuyết của từng môn, giờ đây chúng em được học tập và biết đến các kiến thức KHKT liên môn một cách cụ thể, sinh động để ứng dụng vào thực tiễn. Chúng em được trực tiếp tìm hiểu và nghiên cứu cụ thể: tính toán lượng khí thải của động cơ đốt trong, tự động hóa được ứng dụng trong ô tô như thế nào, Toán có liên quan gì đến Vật lý…”.
Niềm vui của các thành viên đội thi "Cuộc đua Vinfast - F1” của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành khi hoàn thiện sản phẩm.
Nhiệm vụ quan trọng nhất trong nghiên cứu KHKT chính là ý tưởng, sự sáng tạo để sáng chế ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao phục vụ đời sống con người. KHKT giờ đây không ngừng đổi mới, phát triển theo hướng hiện đại hóa, vì vậy yêu cầu đầu tiên của cuộc cách mạng 4.0 là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực này cần được đào tạo bài bản, có sự tiếp cận sớm với các kiến thức và kỹ năng KHKT mới có thể đáp ứng nhu cầu lao động của đất nước, bắt kịp xu thế thế giới. Nhưng yêu cầu cấp thiết hiện nay là nguồn tài chính và sự hỗ trợ, đóng góp tư duy, ý tưởng khoa học cho CLB duy trì phát triển còn hạn chế.
Cô giáo Đinh Thị Thu Giang - Chủ nhiệm CLB STEM cho biết: "Nguồn tài chính và hỗ trợ liên kết từ các nhà KHKT là rất cần thiết. Đến thời điểm hiện tại, CLB mới chỉ có 9 thầy cô là giáo viên các bộ môn khoa học tự nhiên của nhà trường tham gia. Dù thầy cô đã đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi KHKT của tỉnh và quốc gia, nhưng do công tác kiêm nhiệm, sự hạn chế về mặt kỹ năng cũng phần nào khiến CLB hoạt động còn nhiều thiếu thốn và khó khăn. Chúng tôi rất cần sự ủng hộ từ các nhà tài trợ, phụ huynh và lãnh đạo tỉnh, để giáo dục STEM và CLB STEM đạt thành tích cao hơn trong học tập và sáng tạo KHKT”.
Việc lọt vào top 45 trường có điểm số cao nhất và đi tiếp vòng hai cấp toàn quốc của Cuộc thi chế tạo ô tô do Công ty Vinfast tổ chức là thành công đáng tự hào của các thành viên CLB STEM Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Giáo dục STEM đã và đang tạo được uy tín và niềm tin của học sinh và phụ huynh với nhà trường.
Với những nền móng đã xây dựng được, chắc chắn giáo dục STEM còn đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và tiếp tục gặt hái thành công, để Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành - ngôi trường mang tên Bác luôn xứng đáng là đầu tàu về giáo dục mũi nhọn của tỉnh.
Bùi Minh - Thái Ly