Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác vệ sinh an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 do Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức hôm nay- 13/7. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.
6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm
6 tháng đầu năm, tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương, sự quan tâm sát sao của tỉnh nên sau thời gian giãn cách xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dần đi vào hoạt động ổn định.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 8.878 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm dịch vụ ăn uống.
Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm các cấp đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra gần 2.500 cơ sở, xử phạt hành chính 413 cơ sở với tổng số tiền 250 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước và tiến hành tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng trị giá trên 213 triệu đồng; nhắc nhở 156 cơ sở vi phạm.
Tiến hành test nhanh các mẫu thịt, cá ... với tổng số mẫu không đạt 3/33 mẫu, 90,9% mẫu đạt. Tiến hành ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho 3.913 cơ sở, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm cho 46 cơ sở, cấp giấy chứng nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 211 cơ sở…
Do làm tốt công tác tuyên truyền nên đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chấp hành tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm.
6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh ngăn chặn các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm, tiếp tục kiểm soát an toàn thực phẩm. Triển khai Kế hoạch số 39 của UBND tỉnh về thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020.
Mục tiêu phấn đấu: 75% người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và chủ cơ sở được cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm; 45% cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm do ngành y tế quản lý; trên 60% các chợ trên địa bàn được quy hoạch và kiểm soát an toàn thực phẩm; 100% số vụ ngộ độc thực phẩm được điều tra, xử lý kịp thời…
Người đứng đầu cấp huyện phải chịu trách nhiệm về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm, các ngành, các địa phương cần quán triển thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới, các ngành và địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết công tác an toàn thực phẩm, ban chỉ đạo các cấp hoạt động thường xuyên, nghiêm túc, kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện, xã.
Đặc biệt, đảm bảo an toàn thực phẩm cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đại hội Đảng các cấp, hoạt động du lịch trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về cơ sở, chú trọng truyền thông trên mạng xã hội. Xây dựng mô hình điển hình về an toàn thực phẩm và tăng cường công tác thanh kiểm tra, quản lý nhà về an toàn thực phẩm, công khai đường dây nóng tại các địa phương, khuyến khích tố giác của nhân dân.
Đồng chí nhấn mạnh, người đứng đầu cấp huyện phải chịu trách nhiệm về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ đạo kiểm tra các cơ sở trên địa bàn...
Thu Hiền