Ông Nguyễn Văn Cường, thương binh hạng 3/4, bị nhiễm chất độc da cam ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, ông cho biết: sau khi rời chiến trường, ông chưa một lần trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Với tinh thần "Thương binh tàn nhưng không phế”, ông xin làm thêm trông xe tại chợ Yên Bái. Công việc của ông bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối, bất kể trời mưa nắng với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1/4/2020, khi toàn quốc thực hiện lệnh giãn cách xã hội, công việc của ông bị tạm dừng.
Ông Cường chia sẻ: "Ngay sau khi hết lệnh giãn cách xã hội, tôi được nhận 1,5 triệu đồng hỗ trợ 3 tháng từ gói hỗ trợ của Chính phủ. Số tiền tuy không lớn nhưng đáng quý vô cùng, không chỉ giúp gia đình ông trang trải một phần sinh hoạt, quan trọng hơn là thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với những người có công”.
Ông Nguyễn Văn Sủng ở thôn Đình Xây, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên là thương binh hạng 4/4. Khi nhận được 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ, ông rất vui. Theo ông, số tiền này không chỉ giúp gia đình ổn định cuộc sống mà còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với những người như ông... Xác định hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là việc làm khẩn trương, cấp bách, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Toàn - Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Tổng số đối tượng đã được UBND tỉnh phê duyệt là 219.558 người với kinh phí hỗ trợ 185.729 triệu đồng. Đến ngày 30/7/2020, đã chi trả hỗ trợ cho 219.339 người, kinh phí chi trả là 185.523 triệu đồng, đạt 99,9%. Số đối tượng và kinh phí hết nhiệm vụ chi trả là 219 đối tượng, kinh phí 205,25 triệu đồng (do đối tượng chết, chuyển đi nơi khác và trùng danh sách). Cụ thể: đối tượng người có công với cách mạng là 4.949 người, kinh phí hỗ trợ 7.412 triệu đồng, đã chi trả 4.949 người, đạt 100%.
Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 21.215 người, kinh phí hỗ trợ là 31.688 triệu đồng, đã chi trả 21.212 người, kinh phí chi trả 31.682,5 triệu đồng (03 đối tượng không chi trả do đối tượng chết và bị trùng danh sách).
Đối tượng là người thuộc hộ nghèo là 99.346 người, kinh phí hỗ trợ trên 74.502 triệu đồng, đã chi trả 99.300 người, kinh phí chi trả 74.467,7 triệu đồng (46 đối tượng không chi trả được do chết, chuyển đi nơi khác, trùng danh sách). Đối tượng người thuộc hộ cận nghèo là 88.324 người, kinh phí hỗ trợ 66.238 triệu đồng, đã chi trả 88.228 người, kinh phí chi trả 66.166 triệu đồng (96 đối tượng chết, chuyển đi nơi khác, trùng danh sách)".
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố chưa nhận được hồ sơ đề nghị vay của người sử dụng lao động trên địa bàn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Trong đó, hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương là 11 doanh nghiệp, số lao động tạm hoãn nghỉ việc không hưởng lương thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ là 205 người, kinh phí hỗ trợ 369 triệu đồng, đã chi trả xong 100% kinh phí. Số hộ kinh doanh hưởng hỗ trợ là 984 hộ, kinh phí 984 triệu đồng, đã thực hiện chi trả 978 hộ kinh doanh, kinh phí 978 triệu đồng (6 hộ kinh doanh trùng đối tượng thụ hưởng)...
Để bảo đảm hỗ trợ các đối tượng kịp thời và đúng tiêu chuẩn, các địa phương trong tỉnh đều niêm yết công khai danh sách để nhân dân giám sát, tránh thiếu sót và hỗ trợ sai đối tượng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể tăng cường giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi chính sách, bảo đảm đầy đủ quyền lợi của các đối tượng theo quy định.
Quang Thiều