Ngay sau khi có Hướng dẫn số 136 của TAND Tối cao về công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp, TAND huyện Yên Bình đã kịp thời triển khai và thực hiện nghiêm túc. Các thẩm phán, thư ký đều nhận thức đúng đắn yêu cầu, mục đích và tự bản thân đăng ký xét xử 2 phiên tòa rút kinh nghiệm/năm.
Trên cơ sở đăng ký của các thẩm phán, TAND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và đăng ký giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu công tác năm với TAND tỉnh.
Để thực hiện tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đạt mục đích, yêu cầu, lãnh đạo cơ quan chỉ đạo các thẩm phán chủ tọa phiên tòa tự nghiên cứu các vụ án được phân công; lựa chọn vụ án có tính chất phức tạp, vụ án có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo hoặc có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự; đề xuất, báo cáo lãnh đạo cơ quan để lựa chọn làm phiên tòa rút kinh nghiệm.
Từ việc phê duyệt đăng ký, đề xuất của thẩm phán về án được đưa ra xét xử tại phiên tòa rút kinh nghiệm, TAND huyện Yên Bình lên lịch xét xử, xây dựng kế hoạch cụ thể báo cáo TAND tỉnh để cử đoàn công tác tham gia.
Đồng thời, thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện phối hợp thực hiện, nhằm đảm bảo việc xét xử đúng thời hạn, đủ thành phần để phiên tòa diễn ra nghiêm túc, đạt hiệu quả. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chủ động trao đổi với kiểm sát viên tham gia phiên tòa các vấn đề liên quan đến việc tổ chức phiên tòa.
Lãnh đạo cơ quan đã yêu cầu các thẩm phán bám sát Hướng dẫn 136 của TAND Tối cao để tự xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa, cụ thể như: nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; lập kế hoạch điều khiển phiên tòa; dự liệu phương án xử lý các tình huống có thể phát sinh; kế hoạch xét hỏi và phân công nhiệm vụ cụ thể của thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX); dự thảo bản án, các văn bản tố tụng…
Quá trình xét xử, các thẩm phán và HĐXX đã thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tố tụng quy định trong Luật Tổ chức TAND và các văn bản pháp luật tố tụng theo yêu cầu của cải cách tư pháp, đảm bảo quyền tranh luận của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác; chủ tọa phiên tòa cùng HĐXX điều hành phiên tòa đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự, bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, đơn vị tổ chức họp rút kinh nghiệm với các thành phần tham gia gồm: đoàn công tác của TAND tỉnh, toàn thể ban lãnh đạo, các thẩm phán, thư ký cùng các hội thẩm tham gia xét xử. Trước tiên, các thẩm phán chủ tọa phiên tòa tự đánh giá về việc tổ chức, điều hành phiên tòa của mình; những người tham dự phiên tòa tham gia ý kiến, chỉ ra ưu điểm, hạn chế của chủ tọa phiên tòa, HĐXX, thư ký phiên tòa…
Với tinh thần chủ động, tích cực, công tác tổ chức khoa học, bài bản theo đúng trình tự quy định, từ đầu năm 2020 đến nay, TAND huyện Yên Bình tổ chức được 35 phiên tòa rút kinh nghiệm. Việc rút kinh nghiệm đối với mỗi phiên tòa được tổ chức nghiêm túc, khách quan, dân chủ, các đồng chí tham gia phiên tòa đã thẳng thắn tham gia ý kiến cho đồng chí, đồng nghiệp của mình với tinh thần xây dựng.
Qua đó, vừa đánh giá được những mặt ưu, nhược điểm của thẩm phán vừa giúp thẩm phán nhận ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót để kịp thời khắc phục và nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các loại án. Đây chính là bài học trực quan cho các thẩm phán, thư ký, giúp cho họ tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, chú trọng kỹ năng điều khiển phiên tòa và kỹ năng xét hỏi. Đặc biệt là khả năng điều khiển phần tranh luận của HĐXX để nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử của các thẩm phán, thư ký đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Năm 2020 là năm tiếp tục triển khai các Bộ luật, Luật, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, mô hình phòng xử án mới…, TAND huyện Yên Bình tiếp tục thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử của TAND Tối cao. Trong đó, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vẫn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.
Trần Ngọc