Kết quả đó trước tiên phải kể đến những đóng góp của Thường trực Hội Khuyến học tỉnh. 5 năm qua, Hội đã tích cực tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành 12 văn bản có giá trị, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo công tác KHKT, XDXHHT.
Cùng với đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội thực hiện nhiệm vụ, hàng năm, Hội phát huy tốt vai trò nòng cốt liên kết các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia KHKT, XDXHHT. Quan tâm phát triển tổ chức Hội, đến nay tỷ lệ hội viên khuyến học toàn tỉnh đạt 23,5% dân số.
Bên cạnh đó, Hội cũng chỉ đạo các cấp hội tích cực vận động hỗ trợ giáo dục bằng tiền, hiện vật trong 5 năm qua trị giá 158,8 tỷ đồng. Đặc biệt, từ chỉ đạo thực hiện hiệu quả xây dựng các mô hình học tập theo Quyết định số 281 của Chính phủ, đến năm 2020, tỷ lệ gia đình học tập trong tỉnh đã đạt 65%; dòng họ học tập đạt 62%; cộng đồng học tập thôn/tổ đạt 70%; đơn vị học tập đạt 90%; cộng đồng học tập cấp xã đạt 60%...
Từ thành tích đạt được, Hội được Chính phủ tặng bằng khen, tặng cờ thi đua năm 2018; được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ năm 2017; các năm 2016, 2017, 2019 được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Điểm sáng trong phong trào KHKT, XDXHHT, đóng góp vào phong trào chung của tỉnh thời gian qua tại cơ sở phải kể đến thành tích của Hội Khuyến học huyện Trấn Yên.
Từ tích cực tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện Trấn Yên ban hành 30 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác KHKT, XDXHHT, đồng thời có nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả trong xây dựng mô hình học tập, đặc biệt là xây dựng Cộng đồng học tập cấp xã, Trấn Yên đứng đầu toàn tỉnh; là nòng cốt trong liên kết phối hợp để triển khai thực hiện KHKT.
Các cấp hội đã vận động xây dựng Quỹ Khuyến học bình quân mỗi năm hơn 300 triệu đồng, hỗ trợ và khen thưởng học sinh có thành tích trong học tập từ năm 2015 đến nay là trên 694 triệu đồng; phát triển hội viên lên 23.752 người, đạt tỷ lệ 27,37%... Đóng góp của Hội đã góp phần để huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới.
Để có thành tích chung trong phong trào KHKT, XDXHHT không thể không kể đến các gia đình học tập và dòng họ học tập. Điển hình trong đó là dòng họ Hoàng Hạc, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình. Với 26 hộ, 105 khẩu, 100% gia đình trong dòng họ được công nhận gia đình học tập, trong dòng họ con em đều được đến trường, không có trẻ em mắc các tệ nạn xã hội.
Các gia đình trong dòng họ đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, không có hộ nghèo. Đặc biệt, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày, trong 3 năm gần đây, dòng họ đã mở được 2 lớp học hát then và đàn tính cho các cháu thanh, thiếu niên là con em trong dòng họ.
Với những thành tích đạt được, từ năm 2016 đến nay họ Hoàng Hạc liên tục được công nhận là "Dòng họ học tập”; năm 2018 được nhận bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; nhận giấy khen của Hội Khuyến học tỉnh năm 2019.
Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, để công tác KHKT thực sự hiệu quả, không thể không kể đến những đóng góp của các doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm.
Điển hình là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng - một doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh, trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2008 đến nay, Công ty đã hỗ trợ điều kiện phục vụ học tập và duy trì hỗ trợ học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người hạn chế vận động tỉnh Yên Bái tổng cộng là 1,608 tỷ đồng.
Hay Viettel Yên Bái, với Chương trình "Vì em hiếu học”, mỗi năm trao tặng 810 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho học sinh nghèo hiếu học trong tỉnh. Giai đoạn 2015-2020, Viettel Yên Bái đã trao tặng 4.050 suất học bổng, trị giá 4,05 tỷ đồng. Đây thật sự là những món quà ý nghĩa, động viên học sinh nghèo vươn lên trong học tập…
Những đóng góp đó đã đưa phong trào học tập của Yên Bái lan tỏa trong toàn xã hội và nâng lên một tầm cao mới - nâng cao dân trí thực hiện khát vọng xây dựng quê hương Yên Bái giàu đẹp, văn minh.
Nguyễn Đình