Thời tiết nóng bức, nhu cầu đến các khu vực bể bơi tư nhân để giải nhiệt được xem là nhu cầu thiết yếu. Bởi vậy, việc đảm bảo các điều kiện về chất lượng, an toàn tại các bể bơi được cơ quan chức năng, người đi bơi quan tâm.
Vào những ngày cao điểm nắng nóng, bể bơi Tuyển Anh (phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái) đón khoảng 100 lượt khách/ngày. Khu vực bể bơi tại đây gồm khu tắm tráng, thay đồ, khu vệ sinh, 2 bể bơi dành cho người lớn và trẻ em có thiết kế riêng biệt. Bể người lớn được thiết kế với độ dốc đều, không gấp khúc, có độ sâu tăng dần từ 0,5 đến 1,8 mét. Bể bơi trẻ em có độ sâu duy trì đều ở mức dưới 50 cm.
Ngoài đảm bảo những yếu tố, điều kiện về cơ sở vật chất, dụng cụ an toàn, cứu hộ, để đảm bảo an toàn khi bơi, chủ cơ sở kinh doanh còn đặt ra những yêu cầu, quy định dành cho khách: để dép ở bên ngoài khu vực bơi, tắm tráng trước khi xuống bơi, không chạy nhảy, nô đùa gần bể bơi…
Anh Đinh Công Mạnh ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Những ngày nóng bức, cứ tầm 5 giờ chiều, mặc dù gần khu vực tôi ở có 1 vài bể bơi nhưng tôi vẫn đưa 2 con sang bể bơi Tuyển Anh để cho các cháu được bơi lội thỏa thích. Tôi lựa chọn địa chỉ này vì ở đó xa trung tâm, ít người bơi hơn mà nước bể sử dụng nước giếng, rất trong, có khu tắm tráng, có huấn luyện viên, độ sâu vừa phải nên khá yên tâm”.
Còn tại bể bơi Ruby Garden, huyện Yên Bình, bên cạnh đảm bảo các yếu tố về cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập, dụng cụ cứu hộ, đội cứu hộ, chủ bể bơi còn yêu cầu mọi người kiểm tra thân nhiệt trước khi vào bể nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 bể bơi kinh doanh, trong đó 30 bể bơi hiện đang hoạt động và 100% được cấp giấy phép kinh doanh.
Ông Lê Duy Hà - Phó trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: Hàng năm, trước mỗi mùa hè, Phòng phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng, triển khai việc kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, dụng cụ cứu hộ đối với 100% các cơ sở kinh doanh bơi, lặn trên địa bàn, qua đó, nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tu sửa, cải tạo lại các điều kiện nhằm đảm bảo an toàn.
Việc cấp giấy phép kinh doanh cũng được kiểm tra, thẩm định nghiêm ngặt, đúng quy trình theo Thông tư 03/2018 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
"Ngoài ra, Phòng cũng tham mưu để Sở gửi các văn bản tới UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ sở kinh doanh bơi, lặn tạo điều kiện cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học bơi miễn phí” - ông Hà nói.
Theo Thông tư 03, các cơ sở kinh doanh bơi, lặn cần phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu để có thể được cấp giấy phép kinh doanh như: kích thước bể, thành bể, đáy bể có bề mặt nhẵn, mịn, dễ làm sạch; có phòng thay đồ, khu tắm tráng và khu vệ sinh; sàn các khu vực này và xung quanh bể bơi phải phẳng, không đọng nước, không trơn trượt; khu vực rửa chân được đặt tại vị trí trước khi người tập xuống bể; có hệ thống âm thanh, ánh sáng trong tình trạng hoạt động tốt…
Mỗi bể bơi còn phải có ít nhất 6 sào, 6 phao, ghế cứu hộ. Mật độ tập luyện phải đảm bảo ít nhất 1 người/ m vuông ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 1m) hoặc 1 người/ 2m vuông ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 1m trở lên); phải bảo đảm có nhân viên cứu hộ thường trực khi có người tham gia tập luyện.
Số lượng nhân viên cứu hộ phải bảo đảm ít nhất 200m vuông mặt nước bể bơi/ 1 nhân viên. Nhân viên cứu hộ phải có giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn do cơ quan tổ chức tập huấn cấp. Tất cả các điều kiện này đều được cơ quan chức năng kiểm tra hàng năm nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bơi.
Với việc quản lý chặt chẽ của ngành chức năng, việc chấp hành nghiêm các quy định của các cơ sở kinh doanh bơi lội, vấn đề an toàn và sức khỏe của những người yêu thích bộ môn bơi lội luôn được đặt lên hàng đầu.
H.A