Tình hình dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và lũ lụt đang diễn ra ở Việt Nam đã, đang đe dọa đến an ninh lương thực, thu nhập, công ăn việc làm…, gây ra hiện tượng thiếu đói cục bộ, ảnh hướng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động Chiến dịch truyền thông Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16-23/10 với chủ đề "Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững."
Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển” năm 2020 truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, thiết thực như phát triển VAC để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình; sử dụng đa dạng các loại thực phẩm; tăng cường ăn rau, củ, trái cây, các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng; nuôi dưỡng trẻ hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời để giúp trẻ phát triển toàn diện về tầm vóc và trí tuệ; thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để phòng, chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây.
Bộ Y tế kêu gọi toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch bệnh; đặc biệt quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ có thai, bà mẹ đang nuôi con dưới hai tuổi và những hộ ở những vùng khó khăn, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể và bền vững. Tình hình an ninh lương thực-thực phẩm và bữa ăn của người dân đã được cải thiện rõ rệt.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững (tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ hơn 30% năm 2000 xuống còn hơn 14% năm 2015 và năm 2019 là trên 12%).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng, như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (hơn 22% năm 2019) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn so thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là trên 27% và Tây Nguyên là gần 30%. Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ít hoạt động thể lực là những nguyên nhân gây gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, của gia đình và của toàn xã hội, đồng thời là mục tiêu phát triển, là nhân tố quyết định để đạt được sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe người dân là trách nhiệm của mỗi người dân, của gia đình và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.
Đầu tư cho công tác chăm sóc, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe nhân dân phải được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của mỗi địa phương.
(Theo Vietnam+)