Với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn tỉnh Yên Bái nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng cường tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh nông thôn, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai thực hiện Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”.
Chương trình có 3 hợp phần, gồm: Cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình. Thời gian thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 với tổng vốn theo kế hoạch là 37.409 triệu đồng.
Trong đó, vốn đầu tư 14.964 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 22.445 triệu đồng. Năm 2020, Chương trình được triển khai tại 22 xã khu vực nông thôn thuộc 8/8 huyện, thị xã với 25.150 hộ/ 111.633 người; 50 xã thực hiện vệ sinh toàn xã.
Trong cả giai đoạn, có 51 công trình nước và vệ sinh đầu tư cho trạm y tế; năm 2020, có 32 công trình, 4.054 nhà tiêu hộ gia đình được hỗ trợ (riêng năm 2020, có 1.915 nhà tiêu được hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách).
Dự kiến đến hết năm 2020, phấn đấu sẽ có 50 xã đạt vệ sinh toàn xã. Ngoài ra, đến thời điểm này, Chương trình đã tổ chức 4 hội nghị cấp tỉnh, 25 hội nghị cấp huyện, 47 hội nghị triển khai cấp xã; 4 lớp tập huấn cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện (lớp TOT), 94 lớp tập huấn cho cán bộ xã, tuyên truyền viên, cộng tác viên cấp thôn, thợ xây và cửa hàng tiện ích; 782 cuộc họp dân tuyên truyền tại các thôn bản; thăm 17.280 lượt hộ gia đình.
Đồng thời, các hoạt động khác cũng được triển khai như: phát tranh, tờ rời tuyên truyền, họp lồng ghép, phát trên loa truyền thanh, lắp đặt pano tuyên truyền, tổ chức mít tinh rửa tay với xà phòng, đánh giá chất lượng nước trường học, trạm y tế...
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết: Chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đây là chương trình hỗ trợ có tính đột phá với những phương pháp tiếp cận và thực hiện mới, tổng hợp về các mặt thuộc lĩnh vực nước sạch và vệ sinh.
Có thể khẳng định rằng, Chương trình đem lại hiệu quả sâu rộng, bền vững, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.
Bên cạnh đó, nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Nhờ vậy, bệnh tật trong cộng đồng giảm, nhất là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như: tiêu chảy, tả, giun sán, các bệnh ngoài da...
Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là một trong những địa phương được thụ hưởng và triển khai tốt Chương trình. Hiện nay, có 78% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, 85% hộ gia đình có điểm để xà phòng rửa tay, 95% hộ gia đình được sử dụng nước sạch.
Để thực hiện tốt Chương trình, Trạm Y tế xã đã phối hợp với các thôn, bản chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi truyền thông lưu động, vận động người dân trên địa bàn tự xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện rửa tay bằng xà phòng.
Cũng như xã Nghĩa Lợi, hơn 3 năm triển khai tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, Chương trình đã mang lại nhiều kết quả khả quan.
Đồng chí Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Ngay sau khi triển khai Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động truyền thông về sự cần thiết phải sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và thay đổi hành vi vệ sinh một cách bền vững…
Đồng thời, chỉ đạo các thôn tổ chức các đợt ra quân quét dọn đường, ngõ xóm; thu gom rác thải, phân gia súc thải ra đường.
Nhờ đó, hơn 3 năm triển khai Chương trình đã thực sự mang lại kết quả đáng mừng, xã đã có trên 90% hộ gia đình sử dụng nước sạch; 80% hộ gia đình xây dựng được nhà tiêu hợp vệ sinh; 1 công trình nước sạch tập trung”.
Theo mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra, từ nay đến hết thời gian thực hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chương trình theo tiến độ, nghiên cứu làm các mô hình nhà vệ sinh phù hợp với điều kiện kinh tế, địa hình của từng khu dân cư, góp phần giảm thiểu chi phí, thu hút người dân tham gia. Từ đó, thực hiện tốt các tiêu chí và nâng cao hiệu quả của Chương trình.
Trần Minh