Thành phố Yên Bái: Khó khăn trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/12/2020 | 7:51:19 AM

YênBái - Thành phố Yên Bái hiện có gần 1,3 vạn dân. Là đầu mối, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là yêu cầu, nhiệm vụ rất lớn đặt ra cho cấp ủy, chính quyền.Tuy nhiên, công tác quản lý VSATTP của thành phố cũng như của tỉnh đang phải chịu tác động bởi nhiều yếu tố không thuận lợi.

Hoạt động giết mổ gây mất vệ sinh môi trường còn diễn ra ở nhiều điểm chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Hoạt động giết mổ gây mất vệ sinh môi trường còn diễn ra ở nhiều điểm chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 3.500 cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rau; 603 cơ sở dịch vụ ăn uống, chế biến thức ăn sẵn; 53 bếp ăn tập thể tại các trường tiểu học, mầm non và các nhóm trẻ; 372 cơ sở sản xuất chế biến nông sản thực phẩm; 816 cơ sở kinh doanh thực phẩm… Trong đó, có 181 cơ sở sản xuất thực phẩm; 416 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 219 cơ sở sản xuất rượu thủ công và 9 chợ đầu mối… 

Xác định ATTP là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe và tính mạng con người, những năm gần đây, thành phố đã bám sát kế hoạch của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh và tình hình thực tế của địa phương để chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ATTP trên địa bàn.

Theo đó, Trung tâm Y tế thành phố đã chủ động tham mưu giúp UBND, Ban Chỉ đạo VSATTP thành phố trong việc quản lý, điều hành các hoạt động có liên quan đến VSATTP; ban hành kế hoạch chỉ đạo trạm y tế các xã, phường tổ chức các hoạt động kiểm tra VSATTP; thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát đối với tuyến dưới về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra VSATTP như: tổ chức các cuộc kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với VSATTP tại các chợ đầu mối trung tâm; kết hợp thực hiện công tác kiểm tra VSATTP với tuyên truyền để mọi người dân nâng cao nhận thức về VSATTP từ gia đình đến cộng đồng. 

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể tại các xã, phường như: căng tin ăn uống của các đơn vị trường học; các bếp ăn của các nhà hàng, khách sạn; bếp ăn phục vụ các cuộc họp, kỳ họp của các cơ quan, đơn vị… 

Thông qua kiểm tra đã đánh giá các cơ sở thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP, đồng thời chỉ ra các sản phẩm có nguy cơ cao vi phạm VSATTP để loại trừ ra khỏi bữa ăn hàng ngày cũng như những thực hành chưa đúng về ATTP trong chế biến thực phẩm tại các bếp ăn như: không đeo găng tay trong suốt quá trình chế biến thực phẩm, đặc biệt là với thực phẩm chín, thức ăn ngay; việc vệ sinh bếp nấu, dụng cụ nấu thức ăn, khu vực tập kết thực phẩm, khu vực thau rửa dụng cụ chế biến, bát đũa… đúng quy định. 

Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố đã thực hiện cách ly xã hội đối với những người trở về từ vùng dịch và tổ chức nấu ăn phục vụ những người tại khu cách ly. 

Trung tâm Y tế thành phố chỉ đạo các trạm y tế xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân về VSATTP trong công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thực hiện các chuyên mục phát thanh "ATTP, phòng, tránh dịch bệnh do Covid-19” đến nhân dân trên địa bàn; chỉ đạo trạm y tế các xã, phường thực hiện phun khử trùng tại các nơi tập trung đông người và các trường học, trụ sở UBND xã, phường, cơ sở y tế trên địa bàn…

Tuy nhiên, công tác quản lý VSATTP của thành phố cũng như của tỉnh đang phải chịu tác động bởi nhiều yếu tố không thuận lợi như: tình hình mất ATTP trong nước; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh gây ô nhiễm môi trường; các chất cấm, hóa chất độc hại trong nuôi, trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm còn tương đối phổ biến trên thị trường; thực phẩm không an toàn, nhập lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp; nguồn lực để đảm bảo cho công tác quản lý ATTP còn hạn chế… 

Bà Vũ Thị Thanh Thúy - Trưởng phòng Y tế thành phố cho biết: "Ngoài khó khăn do thiếu cán bộ chuyên môn, hoạt động của Ban Chỉ đạo ATVSTP ở cấp xã, phường còn bị hạn chế bởi không có các thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, phát hiện vi phạm về VSATTP. Việc kiểm tra được thực hiện lại chủ yếu là bằng cảm quan nên rất khó xác định chính xác các lỗi vi phạm, thậm chí dễ vấp phải phản ứng của người dân khi lập biên bản xử phạt vi phạm”. 

Bên cạnh đó, trên 95% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong thành phố là nhỏ lẻ, hộ gia đình, thường xuyên thay đổi, do đó rất khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm; ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn chưa đầy đủ, phần lớn vì lợi nhuận nên thiếu trách nhiệm trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hiện tại Trung tâm Y tế thành phố vẫn chưa có máy xét nghiệm để phục vụ công tác kiểm tra ATTP. 



Cán bộ Sở Y tế lấy mẫu xét nghiệm tại bếp ăn tập thể của các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố Yên Bái. 

Đơn cử, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, phường Nguyễn Thái Học có tổng số 1.341 học sinh và thầy cô có bữa ăn bán trú tại trường.

Những năm qua, nhà trường luôn thực hiện tốt công tác quản lý bếp ăn, đảm bảo VSATTP nên không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Đồng thời, phối hợp tốt với cha mẹ học sinh tham gia ý kiến, giám sát chặt chẽ hoạt động của bếp ăn tập thể; Ban Đại diện cha mẹ học sinh phân công các thành viên cùng nhà trường, chính quyền, ngành y tế địa phương tiến hành giám sát hàng ngày, theo kế hoạch hoặc đột xuất; giám sát thực hiện mua thực phẩm; nhập, xuất thực phẩm, giao nhận thực phẩm, quá trình chế biến lưu mẫu, chia định lượng suất ăn, quy trình vệ sinh bếp ăn… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác đảm bảo VSATTP bữa ăn bán trú tại nhà trường vẫn còn gặp những khó khăn. 

Cô giáo Vũ Hoàng Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học cho biết: "Hiện, nhà trường chưa có cổng trường độc lập, vẫn còn 4 hộ dân dùng chung cổng nên ảnh hưởng đến công tác bảo vệ an ninh trật tự và các hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm không ổn định nên khó khăn trong cân đối mức đóng góp của học sinh. Vì vậy, chúng tôi phải tính toán sao cho hợp lý số kinh phí đóng góp của phụ huynh mà vẫn đủ lượng, chất dinh dưỡng, đảm bảo VSATTP cho bữa ăn bán trú của các em”. 

Đối với lĩnh vực lưu thông hàng hóa, thành phố Yên Bái hiện đang quản lý 9 chợ đầu mối. Bởi vậy, việc thường xuyên đôn đốc Ban Quản lý các chợ tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, quy định của pháp luật về VSATTP đến các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ luôn được cấp ủy, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm. 

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn xác nhận kiến thức về ATTP cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ... Tuy nhiên, đa số các chợ trên địa bàn thành phố cơ sở vật chất còn hạn chế, không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm còn đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác làm cho công tác bảo đảm VSATTP tại các chợ gặp không ít khó khăn; một bộ phận các cơ sở thực phẩm, hộ tiểu thương còn chạy theo lợi nhuận cố tình đưa hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm VSATTP vào buôn bán trong chợ; vẫn còn những cá thể bán buôn, bán lẻ các mặt hàng tươi sống giết mổ sản phẩm ngay trong chợ… dẫn đến tình trạng mất vệ sinh và ảnh hưởng môi trường xung quanh. 

Ông Lương Xuân Quyết - Trưởng ban Quản lý Chợ Yên Bái cho biết: "Các hộ kinh doanh thực phẩm tại đây đã được Ban Quản lý bố trí khu vực kinh doanh riêng biệt. Tuy nhiên, khu vực này sử dụng nhiều năm, nay đã xuống cấp. Cùng với đó, Ban Quản lý chợ cũng chỉ có thể phối hợp với các đơn vị chức năng để tổ chức kiểm tra chất lượng VSATTP, nguồn gốc hàng hóa… bởi chưa có phương tiện chuyên ngành để kiểm tra, xét nghiệm, việc kiểm tra chỉ dựa vào mắt thường nên gặp nhiều khó khăn”.

Để nâng cao chất lượng công tác đảm bảo VSATTP, nhất là dịp cuối năm với nhiều hoạt động như: lễ, tết, cưới xin, liên hoan… thành phố Yên Bái đã đề nghị Sở Y tế tỉnh quan tâm hơn tới việc cung cấp các trang thiết bị chuyên dùng cho công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP. 

Song, cần thống nhất tập trung một đầu mối quản lý ATTP trong các ngành công thương, nông nghiệp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý, tránh chồng chéo, bỏ sót. Đồng thời, xem xét lại việc giao nhiệm vụ thực hiện công tác ATTP tại các xã, phường cho cán bộ văn hóa; tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý ATTP các xã, phường. 

Song song với đó, thành phố Yên Bái còn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, nhất là Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực ATTP nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tầm quan trọng của VSATTP đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngọc Sơn

Các tin khác
Các tân binh chia tay người thân lên đường nhập ngũ. (Ảnh: Minh Huyền)

Đi bộ đội không chỉ là nghĩa vụ của mỗi người được quy định cụ thể tại Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội thông qua từ năm 2015 mà đó còn chắc chắn là niềm vinh dự, niềm tự hào của mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Người dân bản Chao, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên tham gia sinh hoạt chuyên đề với chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình.

Bà Hoàng Kim Oanh chia sẻ: "Được tham gia buổi sinh hoạt, tôi hiểu thêm thế nào là bạo lực gia đình (BLGĐ); pháp luật và nguyên tắc phòng, chống BLGĐ. Nếu như trước, theo tôi, chỉ có đánh đập mới là bạo lực thì nay mới biết BLGĐ có 4 loại: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục...".

Các y bác sỹ thực hiện thành công ca điều phối ghép đa tạng từ một người hiến ở Vũng Tàu.

Đây là lần đầu tiên các đơn vị điều phối ghép tạng tiếp nhận một ca hiến đa tạng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và vận chuyển tạng tới cả 3 miền đất nước.

Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến bay đưa công dân ở nhiều quốc gia về nước.

Trong hai ngày 6 và 7-12, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại đưa gần 360 công dân Việt Nam về nước an toàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục