Điểm tựa cho đồng bào vùng cao Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/12/2020 | 7:49:52 AM

YênBái - Mặt trời tỏa nắng vàng xua tan màn sương trắng đục, bản Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên bừng lên trong nắng mới với những ngôi nhà khang trang, rừng cây xanh tốt, dòng suối Lâu từ ngàn năm qua vẫn rì rào tuôn chảy nhưng cuộc sống của người Mông nơi đây đã có nhiều đổi thay.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên thăm điểm vay vốn trồng quế hiệu quả ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên thăm điểm vay vốn trồng quế hiệu quả ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Nói như đồng chí Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thì: "Hồng Ca là địa phương tiêu biểu trong vùng đặc biệt khó khăn thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng hành với đồng bào nơi đây là Ngân hàng Chính sách xã hội với nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp bà con có ngôi nhà, bể nước, có điều kiện chăn nuôi, trồng cấy để có cuộc sống ấm no”.

Đúng hẹn, chúng tôi vượt núi lên Khuôn Bổ vào một ngày cuối năm, chị Giàng Thị Cu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của thôn Khuôn Bổ đón chúng tôi bằng ánh mắt nụ cười thân thiện như những người quen lâu ngày mới gặp. 

Vẻ tự tin của người phụ nữ Mông còn khá trẻ này khiến chúng tôi nhớ lại câu nói của mấy anh chị ở Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh và lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện: "Chị em người dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt tại các tổ TK&VV sẽ biết tính toán, biết làm ăn, tự tin trong giao tiếp…; qua đó, góp phần bảo đảm bình đẳng giới, cuộc sống gia đình, nhờ đó mà no ấm, hòa thuận, hạnh phúc hơn”. 

Rồi chị Cu chẳng cần sổ sách gì khi cung cấp cho chúng tôi những số liệu: "Tổ TK&VV của chúng tôi có 42 thành viên, tổng dư nợ 1,897 tỷ đồng, thuộc các chương trình hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường… 

Không có nợ xấu đâu các cán bộ ạ! Người Mông bản mình trân trọng đồng vốn chính sách lắm! Nhận tiền về, đầu tư cái gì đều được tính toán và phê duyệt trước, có sự giám sát của tổ chức nên vốn vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả ngay. Mấy chục héc-ta quế, mấy chục héc-ta tre măng Bát độ, trâu, gà đặc sản… của bà con Khuôn Bổ có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Chính phủ cả. 

Có hộ nhờ đồng vốn mà có rừng quế, rừng măng lớn, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên giàu có, từ chỗ vay vốn, giờ còn gửi lại tiết kiệm NHCSXH, điển hình như anh chị Sùng A Vang và Tráng Thị Nhà giờ đã có 4 ha quế, 2 ha tre măng Bát độ, mỗi năm, thu về cả trăm triệu đồng. Khuôn Bổ giờ chỉ còn 4 hộ nghèo. Từ chỗ du canh, du cư trên núi, bao đời đói ăn, thiếu mặc, giờ Khuôn Bổ và đồng bào Mông định canh, định cư và ấm no”. 

Đúng là đồng vốn chính sách đã phát huy vai trò, hiệu quả trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở quê hương Yên Bái. Từ vùng thấp Yên Bình, Yên Bái, lên vùng cao Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đến xã nào cũng thấy tấm biển chỉ dẫn "Điểm giao dịch NHCSXH”, đến vùng nào cũng thấy những mô hình sử dụng hiệu quả đồng vốn chính hay câu chuyện đồng hành giữa các đối tượng chính sách với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ. 

Thống kê cho thấy, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách (ước) đến ngày 31/12/2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 3.310 tỷ đồng, tăng 255 tỷ đồng so với năm 2019, trong đó, vốn do NHCSXH Trung ương chuyển: 2.903,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87,7% tổng nguồn vốn, tăng 197,7 tỷ đồng so với năm 2019, vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất: 363 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11% tổng nguồn vốn, tăng 49 tỷ đồng so với năm 2019.

Vốn ủy thác từ ngân sách địa phương: 43,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,3% tổng (trong đó vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh 27,7 tỷ đồng, vốn ủy thác từ ngân sách cấp huyện 15,9 tỷ đồng), tăng 7,1 tỷ đồng so với năm 2019. 

Trong năm 2020, NHCSXH đã thực hiện cho vay trên địa bàn tỉnh Yên Bái 24.300 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay 1.010 tỷ đồng.

Trong đó cho vay hộ nghèo theo Nghị định số 78/NĐ-CP là 4.027 lượt hộ nghèo với số tiền 198 tỷ đồng; đến hết năm còn 30.245 hộ đang còn dư nợ với số tiền 1.163 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,1% tổng dư nợ các chương trình.

Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 6.028 hộ, số tiền 124,6 tỷ đồng; đến hết năm còn 22.348 hộ đang có dư nợ với số tiền 351,7 tỷ đồng… 

Hiện, có 63.808 lượt hộ đồng bào là người dân tộc thiểu số đang vay vốn các chương trình tín dụng chính sách, chiếm 65,8% số hộ vay. Dư nợ đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số là 2.297 tỷ đồng, chiếm 69,5% tổng dư nợ.

Vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả của chương trình giảm nghèo không chỉ thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm mà mức sống bình quân của hộ nghèo cũng đã được nâng lên so với trước kia - đó chính là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới. 

Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai trên địa bàn tỉnh cũng góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. 

Câu chuyện của chị Cu, anh Vang ở Khuôn Bổ, Hồng Ca cũng chỉ là một trong số hàng nghìn câu chuyện về tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Yên Bái vươn lên trong cuộc sống nhờ vào đồng vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua hệ thống NHCSXH. 

Năm 2020 đầy khó khăn đã được Đảng, Chính phủ và người dân vượt qua bằng tinh thần Việt Nam rực lửa, trong hành trình gian nan ấy có bóng dáng của đội ngũ cán bộ NHCSXH mang nguồn lực của Đảng và Chính phủ đến tận các bản làng để chia sẻ khó khăn, giúp đỡ, tạo điều kiện để những đối tượng chính sách vươn lên cho cuộc sống no ấm, cho mùa xuân tươi vui. 

Hẹn gặp lại Khuôn Bổ, Hồng Ca khi quê hương người Mông hết nghèo, khi nhà nhà giàu có!

Lê Phiên

Tags Điểm tựa vùng cao Yên Bái

Các tin khác
Hiện trường vụ nổ nồi hơi chưng cất tinh dầu quế làm 1 người tử vong và 1 người bị thương

Vào khoảng 14h30 ngày 15/12, tại thôn Liên Hiệp, xã Ngòi A, huyện Văn Yên, đã xảy vụ nổ nồi hơi chưng cất tinh dầu quế làm 1 người tử vong và 1 người bị thương.

Một cuộc hội thảo về chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài của Bộ Nội vụ.

Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài vừa được Bộ Nội vụ công bố lấy ý kiến từ ngày 14/12/2020-7/2/2021.

Ảnh minh họa

Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, trong đó sửa đổi, bổ sung chính sách về hưu trước tuổi.

Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Bình trao đổi nghiệp vụ với các kiểm sát viên.

Để tạo sự chuyển biến sâu sắc cho cán bộ, kiểm sát viên (KSV), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Yên Bình VKSND đã đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động xây dựng đội ngũ KSV "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục