Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động rất lớn đến ngành y, hiện tại, các cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp đang tìm các giải pháp công nghệ hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh.
Trên thế giới, các công nghệ như: trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)... ngày càng được ứng dụng sâu rộng hơn. Từ đó, giúp y, bác sĩ thu thập và xử lý dữ liệu nhanh hơn trong việc khai thác dữ liệu hồ sơ bệnh án, thiết lập kế hoạch trị liệu, phát minh thuốc...
Ở Việt Nam hiện nay, có đến 99,5% cơ sở khám bệnh trên cả nước đã kết nối khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan giám định BHYT để triển khai giám định BHYT điện tử.
Đối với Yên Bái, tỷ lệ này là 100% tới tận trạm y tế xã, các cơ sở y tế đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác KCB, quản lý y tế và bước đầu đạt hiệu quả cao, từng bước hướng đến xây dựng bệnh viện không giấy.
Với Phong trào "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” và 3 chương trình: "Thầy thuốc trẻ học tập, rèn luyện, nâng cao y đức”; "Thầy thuốc trẻ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học”; "Thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng”, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đã góp phần vào đổi mới phương thức cung ứng dịch vụ y tế của toàn ngành, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và là đội ngũ tiên phong trong việc tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật y cao.
958 hội viên Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh luôn là nòng cốt ứng dụng CNTT trong quản lý, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật số trong chẩn đoán và điều trị như: phẫu thuật thần kinh có định vị; phẫu thuật nội soi sọ não điều trị các ca tụ máu nội sọ tiên phát; kết nối giữa các tuyến y tế cấp cứu bệnh nhân đột quỵ và các bệnh nhân suy đa tạng; sử dụng máy DSA chụp mạch số hóa xóa nền để can thiệp mạch... Qua đó, mỗi năm có hàng ngàn người bệnh có thêm cơ hội thoát khỏi tử vong hoặc tàn tật.
Hiện nay, hầu hết các đơn vị y tế có lãnh đạo tham gia Hội nên việc sử dụng dữ liệu quản lý hệ thống để cải tiến tối ưu hóa quy trình KCB theo hướng nhanh - gọn - chính xác, giảm thời gian và khối lượng công việc liên quan đến thủ tục hành chính, giảm rủi ro, sai sót thông qua việc cảnh báo tương tác thuốc, sự trùng lặp trong các toa thuốc, trợ lý ảo, chatbot thông minh hỗ trợ công việc hàng ngày như: tìm kiếm bệnh nhân, mở sổ khám bệnh... Từ đó, nâng cao công suất, hiệu suất, quản lý chặt chẽ tài chính... góp phần quan trọng vào phát triển đơn vị.
Bác sĩ Trần Lan Anh - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, với các hoạt động mang tính chất tích cực và tiêu biểu đó, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh luôn được Sở Y tế đánh giá cao và tổ chức phối hợp nhiều chương trình chuyên môn quan trọng hoặc giao việc tiên phong ở cộng đồng.
Đặc biệt, trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, các đội chống dịch tình nguyện, đoàn công tác cơ sở, các xét nghiệm viên chuyên ngành, các lái xe cứu thương chuyển bệnh nhân nghi ngờ hoặc đầu mối triển khai "khẩu trang điện tử” Blue Zone... đều có sự đóng góp của các thầy thuốc trẻ.
Với phương châm "Ở đâu có thầy thuốc trẻ, ở đó có hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”; "Đi để chia sẻ, đi để cống hiến, đi để khẳng định, đi để trưởng thành”, Hội đã góp phần đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến gần với người dân hơn và giúp họ có thể tham gia tự quản lý sức khỏe tốt hơn trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Đồng thời, giúp bệnh nhân giảm thời gian đăng ký KCB, tương tác với bệnh viện qua điện thoại hoặc cổng thông tin như: đặt lịch hẹn, xem hồ sơ y tế cá nhân, thanh toán viện phí trực tuyến, trợ lý ảo nhắc lịch uống thuốc, khám lại...
Với những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh sẽ luôn phấn đấu, rèn luyện vươn lên, hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, quyết tâm đạt những thành tựu mới trong việc góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thời đại hiện nay.
Trần Minh