Thạc sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: được sự quan tâm của tỉnh, Bộ Y tế và hỗ trợ các viện chuyên khoa Trung ương, ngành y tế Yên Bái đã nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc các kế hoạch giao.
Nổi bật là các chỉ tiêu: tỷ lệ tăng dân số 10,4%o; tỷ lệ giảm sinh 0,1%o; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ 98,5%; 130 xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 97,8%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng 16%, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh 72%...
Những thành quả đó là do hệ thống ngành y tế được củng cố và kiện toàn. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai có hiệu quả, mạng lưới giám sát phát hiện và báo cáo dịch được củng cố từ tuyến thôn, bản đến tuyến tỉnh, không phát hiện dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy, tỷ lệ tử vong do dịch bệnh trên địa bàn giảm ở mức thấp nhất, giảm so với năm 2019.
Ngoài ra, Đề án xây dựng xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã được triển khai đồng bộ tại tất cả các xã, phường, thị trấn, dự ước hết năm 2020 có 130 xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Các chương trình y tế được triển khai đều, có hiệu quả.
Công tác khám, chữa bệnh (KCB) được quan tâm chỉ đạo, các cơ sở KCB đã thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn, phối hợp với các chuyên khoa tuyến trên thực hiện các kỹ thuật tiên tiến vào điều trị… Do đó, tỷ lệ người bệnh phải chuyển tuyến giảm, tỷ lệ người bệnh được điều trị khỏi cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Những năm gần đây, kỹ thuật y học ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng tăng về chất lượng dịch vụ làm cho chi phí y tế gia tăng, trong khi đó, nguồn ngân sách cho y tế có tăng nhưng mức tăng còn thấp. Do đó, công tác y tế năm qua của tỉnh chưa đáp ứng được các yêu cầu chi tiêu cơ bản. Chính sách viện phí còn chậm đổi mới, hoạt động của nhiều đơn vị sự nghiệp y tế công lập vẫn còn mang tính bao cấp.
Một thực tế nữa, nhân lực y tế đã được bổ sung nhưng vẫn thiếu, yếu, bác sĩ làm việc tại các huyện vùng cao còn thiếu, chính sách đãi ngộ với cán bộ y tế chưa phù hợp. Kinh phí đầu tư cho hoạt động y tế dự phòng, các chương trình y tế bị cắt giảm hay cấp muộn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn.
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Vân khẳng định: "Ngành y tế đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, như: tăng cường xã hội hóa công tác y tế, tài chính và đầu tư, tăng cường nguồn nhân lực. Đặc biệt, nâng cao chất lượng KCB bảo đảm cung cấp dịch vụ chất lượng cao, hướng tới mục tiêu sự hài lòng của người bệnh, triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu y tế quốc gia, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BHYT; triển khai thực hiện kế hoạch các dự án viện trợ đã phê duyệt và xây dựng dự án mới trình Bộ Y tế, UBND tỉnh và các nhà tài trợ phê duyệt”.
Trần Minh