Hiện, trên địa bàn huyện Trấn Yên có 1.504 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chợ, bếp ăn tập thể trong trường học, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Trong đó: 735 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có giấy đăng ký kinh doanh; 335 cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh; 341 cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, 52 bếp ăn tập thể trong trường học, 27 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố…
Ngay từ đầu năm 2020, huyện và Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn. Đồng thời, quan tâm công tác tuyên truyền, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết đảm bảo ATTP, tập huấn kiến thức…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Y tế huyện Trấn Yên cho biết: "Với điều kiện thực tế của huyện, chúng tôi tập trung vào truyền thông, phổ biến văn bản pháp luật, thông tin, giáo dục về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm với nhiều hình thức như: băng rôn, khẩu hiệu, phát thanh, tập huấn kiến thức, ký cam kết bảo đảm ATTP…
Cùng với đó, Trấn Yên thực hiện tốt việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, nhất là kiểm tra và xử lý vi phạm ATTP, nên trong năm 2020, công tác quản lý Nhà nước về ATTP của huyện đã nề nếp hơn, không xảy ra ngộ độc thực phẩm”.
Trong năm, Phòng Y tế đã cấp 3 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 3 cơ sở dịch vụ ăn uống, 1 cơ sở sản xuất rượu thủ công; 6 cơ sở giết mổ gia súc và cơ sở chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn huyện được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp giấy chứng nhận ATTP, vệ sinh thú y; 1.504 cơ sở, hộ sản xuất ký cam kết đảm bảo ATTP và cam kết thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 khi được mở cửa trở lại; tập huấn kiến thức về ATTP cho 290 đối tượng kinh doanh dịch vụ ăn uống và nấu cơm tại các bếp ăn trường học trên địa bàn huyện…
Năm 2020, thông qua việc kiểm tra kết hợp tuyên truyền hướng dẫn người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn, các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện cơ bản đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP. Qua công tác kiểm tra phát hiện một số cơ sở kinh doanh thực phẩm còn có những vi phạm, nguyên nhân chủ yếu là các cá nhân còn chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành chưa cao; điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên chưa quan tâm đầu tư trong lĩnh vực ATTP, cơ sở vật chất còn tạm, chưa đảm bảo vệ sinh.
11 cơ sở vi phạm hành chính về ATTP do sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; kinh doanh thực phẩm bị bụi bẩn; nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật xâm nhập; kinh doanh sản phẩm thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; một số cơ sở người bán hàng chưa có giấy khám sức khỏe, hoặc xác nhận kiến thức hết hiệu lực… Cùng với việc xử phạt hành chính, các đoàn kiểm tra đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn huyện Trấn Yên vẫn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: việc rà soát thống kê các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được đầy đủ, chính xác do biến động của các cơ sở; việc quản lý, thực hiện nhiệm vụ của phòng chuyên môn về ATTP chưa chuyên sâu; cấp ủy Đảng, chính quyền một số xã có lúc chưa thực sự quan tâm đến công tác ATTP; năng lực kiểm nghiệm, xét nghiệm thực phẩm còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; xử lý vi phạm hành chính về ATTP chưa triệt để...
Vì vậy, thời gian tới, Trấn Yên xác định tăng cường quản lý Nhà nước về ATTP, tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm ATTP, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); xây dựng và nhân rộng mô hình điểm bếp ăn tập thể ATTP, các cơ sở dịch vụ ăn uống khu du lịch đảm bảo ATTP.
Thành Trung