Gần chục năm "ăn chung một tết” cổ truyền cùng cả dân tộc nói chung, cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh nói riêng, đồng bào Mông Yên Bái đã thấu hiểu sâu sắc sự quan tâm chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với cuộc sống của mình: lo làm sao để sản xuất đúng thời vụ; để nhà nào cũng no cơm, ấm áo; để việc học hành của con trẻ không bị bê trễ...
Đó là câu chuyện về việc thay đổi nhận thức của đồng bào Mông về một phong tục, tập quán không còn phù hợp với nếp sống hiện nay, có tên gọi Cuộc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết, được Tỉnh ủy Yên Bái ban hành ngay từ cuối năm 2012.
Ông Hoàng Đức Quế - nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng ban thực hiện Cuộc vận động khẳng định: "Cuộc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết được Tỉnh ủy Yên Bái phát động thời điểm đó thực sự là một chủ trương đúng đắn. Mong muốn của tỉnh là kêu gọi, vận động đồng bào Mông ăn chung một tết để hòa chung không khí đón tết Nguyên đán cổ truyền cùng cả dân tộc và cộng đồng, tăng thêm sự đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh cũng như cả nước".
Ăn tết chung phù hợp với việc học hành của con em đồng bào Mông, theo đó việc học tập sẽ không còn bị làm gián đoạn, học sinh người Mông sẽ được nghỉ học, vui tết, đón xuân cùng các bạn bè trang lứa của nhiều dân tộc trong cả nước; cán bộ là người Mông có dịp về quê đón tết, vui xuân cùng gia đình, dòng họ.
Bên cạnh đó, bà con sẽ tiết kiệm được thời gian để tập trung vào sản xuất vụ đông xuân đảm bảo đúng thời vụ thay vì ăn theo tết cổ truyền của người Mông kéo dài cả tháng Chạp.
Cách làm của tỉnh là vận động, tuyên truyền, làm cho đồng bào hiểu được cái lợi ích, ý nghĩa của việc ăn chung một tết. Phương pháp tập trung vận động, tuyệt đối không ép buộc; động viên, hỗ trợ, giúp đỡ những nơi khó khăn về kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dịp đón xuân.
Phương châm là đến từng nhà, gặp từng người, hỏi thăm, tuyên truyền, vận động, kêu gọi, đặc biệt quan tâm những người cao niên, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, cán bộ địa phương và những người Mông đang công tác ở các cơ quan Nhà nước, học sinh là con em đồng bào Mông ở các cấp, trên cơ sở huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Tết cổ truyền của người Mông kéo dài cả tháng Chạp hàng năm, được các gia đình người Mông chuẩn bị rất chu đáo, nhất là việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các hoạt động tâm linh được thống nhất trong từng cộng đồng. Hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu - địa phương có trên 90% dân số là người Mông sinh sống, đây cũng là hai địa bàn trọng tâm thực hiện Cuộc vận động.
Với cách làm khoa học, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân, thực hành phương châm lấy kêu gọi, vận động, thuyết phục làm trọng, tết đầu tiên thực hiện Cuộc vận động đồng bào Mông "ăn chung một tết” trên địa bàn toàn tỉnh, cơ bản đồng bào đồng tình với chủ trương của tỉnh và cam kết thực hiện.
Tại 2 huyện trọng điểm, Cuộc vận động đã thành công ngay từ cái tết chung đầu tiên. Năm đầu thực hiện cuộc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/xã.
Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, chỉ còn lác đác một, hai thôn bản tổ chức tết cổ truyền vào tháng Chạp nhưng không ồn ào, linh đình như những năm trước, với lý do Cuộc vận động triển khai đến bản muộn, thực phẩm đã được bà con chuẩn bị trước…
Ông Hoàng Đức Quế nhớ lại: "Tháng Giêng năm đó, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết lần thứ nhất Cuộc vận động với trên 200 đại biểu được mời dự, có sự chứng kiến của lãnh đạo Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương cùng một số già làng, trưởng bản, trưởng dòng tộc, những người Mông tiêu biểu ở cơ sở đã có những đóng góp xuất sắc làm nên thành công của Cuộc vận động. UBND tỉnh Yên Bái đã tặng bằng khen cho trên 20 tập thể, cá nhân.
Thành công của Cuộc vận động cho thấy sự sáng tạo, linh hoạt của tỉnh Yên Bái trong công tác tuyên truyền, vận động đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi khi mà những phong tục, tập quán, nhất là những hủ tục không còn phù hợp với nếp sống mới. Những năm sau đó, công tác vận động đồng bào ăn chung một tết không còn vất vả”.
Tết chung đã thành nền nếp. Đón thêm những mùa xuân no ấm, với khát vọng xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh, những nét đẹp văn hóa riêng có trong tết cổ truyền của đồng bào người Mông Yên Bái thêm được bảo tồn và phát huy, với những hội thi giã bánh dày, hội thi múa khèn Mông, hội thi ném còn hay, những lễ hội gầu tào mang đậm âm hưởng của đại ngàn… được tổ chức sôi động nơi những bản làng vùng cao Yên Bái trong các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh, đặc biệt là tết cổ truyền của dân tộc… Tất cả đủ để làm nên một Yên Bái bản sắc và hạnh phúc.
Minh Thúy