Với nhiều tiện ích mang lại cho người tham gia sử dụng ứng dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) số - VssID như theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); tra cứu các thông tin mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh BHYT và các điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; dịch vụ hỗ trợ 24/7…; BHXH tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt VssID cho các cơ quan, ban, ngành và người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Lê Thanh Chương - Trưởng phòng Công nghệ thông tin, BHXH tỉnh cho biết: "Ngay sau khi BHXH Việt Nam tổ chức lễ công bố ứng dụng BHXH số trên nền tảng thiết bị di động, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình, trang Web Cổng Thông tin BHXH của ngành… với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia và thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, triển khai sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy để đi khám chữa bệnh”.
Theo kế hoạch tuyên truyền, triển khai cài đặt ứng dụng VssID, đến nay, 100% công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) ngành BHXH đã đăng ký tài khoản giao dịch điện tử. Đồng thời, tuyên truyền, giải đáp, hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng VssID cho các thành viên trong gia đình, người thân, bạn bè, người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thuộc các doanh nghiệp, cơ sở y tế, tổ chức, đơn vị được giao phụ trách.
Qua quá trình cài đặt, nhiều người thắc mắc sau khi tải ứng dụng VssID về điện thoại, khai báo trên ứng dụng, sau khi khai báo xong, NLĐ phải in bản đăng ký và đưa đến cơ quan BHXH mới đăng ký được.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thanh Chương cho biết: "Do thông tin cần bảo mật cao, gắn liền với người dân, vì vậy cần có giấy tờ tùy thân của mỗi người để chứng minh định danh. Bên cạnh đó, khi người dân chấp nhận ký vào bản khai đồng nghĩa với việc cam kết thỏa thuận chúng ta cho phép hiển thị thông tin lên ứng dụng. Có thể nói, thêm một bước như vậy dù gây chút phiền hà với người đăng ký, nhưng sẽ tăng tính bảo mật cho dữ liệu thông tin của người dùng”.
Vì vậy, sau khi đăng ký trực tuyến trên điện thoại thì phải nộp 1 tờ khai trực tiếp để cơ quan BHXH đối chiếu lại thông tin mà người dân đã kê khai nhằm mục đích xác thực. Thông qua cài đặt BHXH số sẽ chuẩn hóa thông tin của người tham gia BHXH, BHYT.
Mục tiêu của ngành BHXH là hướng đến quản lý thông tin từng người tham gia BHXH, BHYT, từ đó tạo điều kiện cho người dân khi tham gia BHXH, BHYT thuận tiện trong việc tra cứu giá trị thẻ và tra cứu quá trình khám chữa bệnh, chi phí được hưởng trong quá trình khám chữa bệnh.
NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, BHTN thì dễ dàng tra cứu quá trình đóng, quá trình hưởng, thông tin được tích hợp vào phần mềm BHXH số như trong quá trình lao động khi tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, NLĐ có hưởng chế độ ốm đau, thai sản, chế độ thất nghiệp, tai nạn lao động thì đều được tích hợp vào dữ liệu của cá nhân.
Ngoài ra, trên phần mềm BHXH số có mã vạch cho nên người dân khi đi khám chữa bệnh không cần thẻ BHYT mà chỉ cần quét mã trên điện thoại. Đến nay, BHXH tỉnh đã tiếp nhận gần 500 tài khoản đăng ký giao dịch điện tử, trong đó trên 200 tài khoản đã được duyệt.
Với nhiều tiện ích mà BHXH số mang lại, ngày 18/12, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Công văn số 3966 về việc cài đặt, sử dụng ứng dụng VsslD - BHXH số, yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện, hoàn thành các nội dung theo văn bản chỉ đạo.
Cùng đó, ngay trong tháng 1 này, BHXH tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động người dân cài đặt ứng dụng VssID nhằm chuyển đổi sang hình thức giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử, góp phần xây dựng hình ảnh ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân.
Hồng Duyên