Năm 2018, 15 hộ hội viên nông dân ở xã Mông Sơn, huyện Yên Bình vay 750 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương để thực hiện Dự án "Chăn nuôi bò sinh sản”.
Cùng với nguồn vốn tự có, các hộ đã xây dựng chuồng trại và mua 30 con bò cái sinh sản về chăn nuôi. Ban đầu, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm các hộ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc do các ngành chuyên môn tổ chức; áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, vận dụng kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả trong và ngoài tỉnh vào phát triển Dự án, tận dụng triệt để lợi thế về đất đai, lao động sẵn có và liên kết với nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, đàn bò của Dự án "Chăn nuôi bò sinh sản” phát triển tốt. Hiện nay, các hộ đã có 165 con bò, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/ tháng.
"Chăn nuôi bò sinh sản” là một trong các dự án phát triển kinh tế hiệu quả từ nguồn Quỹ HTND 10 năm qua.
Ngoài dự án trên, Hội Nông dân còn triển khai nhiều dự án phát triển sản xuất hiệu quả: Dự án "Sản xuất miến đao” tại xã Phúc Lộc và xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, triển khai từ năm 2012 với 23 hộ tham gia, số vốn 690 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 65 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt 350.000 - 400.000 đồng/người/ngày.
Dự án "Nuôi ba ba” tại xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn với 20 hộ tham gia, số vốn 600 triệu đồng, triển khai từ năm 2012, đến nay mô hình đã được nhân rộng ra 25 hộ, bình quân mỗi tháng cung cấp ra thị trường 70 kg ba ba thương phẩm với giá 600.000 - 700.000 đồng/kg, xuất bán ba ba giống trên 450 con, thu về trên 112 triệu đồng.
Dự án "Mở rộng quy mô sản xuất chổi chít, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ”, số vốn vay 300 triệu đồng với 10 hộ tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, sản xuất 6.000 sản phẩm/năm, thu nhập bình quân đạt 50-60 triệu đồng/hộ/năm... Theo ông Hoàng Xuân Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân (HND) tỉnh: "Để có được kết quả trên, thời gian qua, HND tỉnh luôn chú trọng, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát.
Hàng năm, Hội đã xây dựng kế hoạch kiểm tra HND các cấp, các dự án, các hộ vay vốn. Ban Quản lý Dự án họp các thành viên hộ vay vốn 6 tháng/lần để giải quyết những đề xuất, kiến nghị của hội viên trong quá trình thực hiện Dự án”. Bên cạnh đó, Hội cũng kịp thời uốn nắn hoạt động ủy thác cho vay, khắc phục các tồn tại.
Vì vậy, sau 10 năm thực hiện Đề án, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, 100% các huyện đều được ngân sách cấp bổ sung. Phương thức cho vay được đổi mới, từ cho vay theo nhóm hộ dần chuyển sang cho vay theo dự án.
Từ năm 2010 đến năm 2020, từ nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh và nguồn Trung ương ủy thác, Hội đã triển khai 48 dự án cho hơn 680 hộ hội viên nông dân vay với tổng nguồn quỹ trên 23,5 tỷ đồng. Từ đó, cấp huyện đã triển khai thực hiện 135 dự án cho trên 400 hộ vay. Các mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả, tăng thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống hội viên, nông dân.
Thời gian tới, các cấp Hội tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền; phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan để củng cố, kiện toàn Ban Vận động phát triển Quỹ HTND theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên nông dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của Quỹ HTND, tạo sự đồng thuận xã hội, mở rộng xã hội hóa để huy động phát triển nguồn quỹ đảm bảo theo đúng Điều lệ và đúng quy định. Hội cũng tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền, hướng dẫn, lựa chọn xây dựng các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND có hiệu quả.
Đồng thời, chú trọng phát triển mô hình từ các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh theo hướng liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; đẩy mạnh công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp nông dân tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Minh Huyền