Đối với huyện đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải, xây dựng nông thôn mới được xác định hết sức khó khăn, trong đó quan trọng nhất và then chốt nhất là phải tạo sinh kế bền vững cho người dân, giúp người dân nâng cao thu nhập.Vì vậy, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích và hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trước hết, Mù Cang Chải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương đồng thời mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Huyện cũng tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Giúp người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, Mù Cang Chải đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án như: Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh Yên Bái…
Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất chủ yếu là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ vật tư, máy móc; hỗ trợ tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề và đặc biệt là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế làm điểm tham quan, học tập để nhân rộng mô hình.
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng được 75 mô hình sinh kế, gồm 10 mô hình trồng trọt, 48 mô hình chăn nuôi, 46 mô hình nhà nghỉ cộng đồng. Từ các mô hình này đã có thêm nhiều mô hình được nhân rộng như: nhà nghỉ cộng đồng, trồng rau cải dầu, trồng rau an toàn, nuôi gà đen, nuôi lợn đen địa phương, chăn nuôi trâu và bò từ 10 con trở lên…
Đa số những hộ được hỗ trợ phương tiện sinh kế, hỗ trợ vốn đều sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó đã mở ra nhiều cơ hội cho các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Năm 2020, huyện đã có thêm 1 mô hình trồng hoa hồng, 1 mô hình trồng rau an toàn, 1 mô hình nuôi cá với sự tham gia tích cực của người dân.
Cùng với tạo việc làm từ sản xuất nông nghiệp, huyện còn chú trọng thực hiện chuyển đổi nghề thông qua đào tạo nghề và hỗ trợ xuất khẩu lao động. 5 năm qua, có 5.416 người được tạo việc làm thông qua công tác đào tạo nghề.
Huyện đã có 39,5% số lao động qua đào tạo nghề năm 2020 so với tỷ lệ 27,2% năm 2015. Giải quyết hiệu quả vấn đề phát triển sinh kế, diện mạo nông thôn vùng cao Mù Cang Chải đã từng bước đổi mới, cải thiện rõ nét chất lượng cuộc sống của người dân.
Tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 80,04% năm 2011 giảm xuống còn 34,32% năm 2020. Người dân Mù Cang Chải tích cực tham gia, hưởng ứng nhiệt tình phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực. Huyện phấn đấu đến năm 2025, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã nào dưới 15 tiêu chí.
Nỗ lực khắc phục khó khăn, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao, huyện Mù Cang Chải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức và hành động; hỗ trợ theo hướng ưu tiên phát triển sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch, lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đồng thời tăng cường thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Nguyễn Thơm