Tân Nguyên giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/3/2021 | 6:41:04 AM

YênBái - Hai năm trước, do nhận thức hạn chế, gia đình khó khăn, chị Đăng Thị Q. ở xã Tân Nguyên (Yên Bình) cho con gái mới 15 tuổi kết hôn và kỳ vọng cuộc sống của con sẽ tốt đẹp hơn. Song "niềm vui ngắn chẳng tày gang"... Đó là vấn nạn kéo dài nhiều năm trước của Tân Nguyên.

Cán bộ xã Tân Nguyên làm công tác tư tưởng, tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn tại gia đình em Đặng Thị Đào.
Cán bộ xã Tân Nguyên làm công tác tư tưởng, tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn tại gia đình em Đặng Thị Đào.

2 năm sau ngày cưới, con gái chị Q ấm ức rời nhà chồng, bế theo con nhỏ về nương nhờ bố mẹ đẻ. Lý do là vợ chồng trẻ không biết làm ăn, thường xuyên cãi vã, không hợp nhau dẫn đến ly hôn. 

Mái ấm của con  sụp đổ, chị Q. buồn và dằn vặt bản thân vì để con gái lấy chồng sớm, giờ còn trẻ đã chịu cảnh làm mẹ đơn thân. 

Thấm thía nỗi buồn của gia đình, chị Q. tích cực tuyên truyền cho nhiều bà mẹ trẻ, nhiều thanh thiếu niên người Dao ở địa phương không kết hôn sớm nhất là khi chưa đủ trưởng thành sẽ ảnh hưởng sức khỏe và hôn nhân thiếu bền vững... 

Bài học từ con gái của chị Q. như "chiếc gương” cho cô bé Đặng Thị Đào ở thôn Khe Cọ, xã Tân Nguyên. Đào là con thứ 8 trong một gia đình nghèo, phải bỏ học khi vừa bước qua tuổi 15 mộng mơ để phụ giúp gia đình kiếm sống. 

Khi có người đến thưa với bố mẹ về việc cưới hỏi, em đã dũng cảm từ chối. "Em không đồng ý vì nghĩ mình còn trẻ, chưa hiểu biết nhiều và cũng muốn phụ giúp bố mẹ được nhiều hơn” - giọng của Đào dứt khoát kể lại quyết định của mình khi chia sẻ với chúng tôi. 

Sự việc hỏi cưới cô bé Đào chưa kết thúc dễ dàng như vậy mà còn phải nhờ đến những cuộc vận động kiên trì và chí lý của các cán bộ chuyên trách ở địa phương. 

Ông Triệu Văn Tường - Trưởng thôn Khe Co, xã Tân Nguyên kể: "Nắm bắt được sự việc, Ban công tác Mặt trận thôn đã đến gia đình cháu Đào vận động, thuyết phục và minh chứng bằng những trường hợp phải gánh chịu hậu quả từ việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH, HNCHT) và phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình... Từ đó, gia đình đã hiểu ra và không để con gái lấy chồng sớm nữa. Bên cạnh đó, thôn cũng thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt tuyên truyền về vấn đề TH, HNCHT cho trẻ em gái tại địa phương; vận động học sinh ra lớp, không bỏ học giữa chừng...”.

Theo ông Hà Văn Chí - Chủ tịch UBND xã, Tân Nguyên là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình với trên 60% là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 15%, trình độ dân trí thấp, một số phong tục tập quán còn lạc hậu gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. 

Trước đây, Tân Nguyên có vấn nạn TH, HNCHT kéo dài nhiều năm gây ra nhiều hệ lụy. Nhưng 2 năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm, không còn HNCHT, song tình trạng tảo hôn vẫn còn. Vì thế, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hệ lụy của nạn TH, HNCHT. Kết quả, năm 2020, trên địa bàn xã không còn trường hợp HNCHT song vẫn có 2 trường hợp tảo hôn và kịp thời ngăn chặn được 3 trường hợp kết hôn sớm.  

Ông Hà Văn Chí - Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên khẳng định: "Để tiếp tục giảm thiểu tình trạng này, trong những năm tới, xã sẽ tập trung tuyên truyền cho lứa tuổi vị thành niên về những tác hại, hệ lụy của việc TH, HNCHT; tăng cường phối hợp với ủy ban MTTQ cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về TH, HNCHT tới từng thôn bản, người dân, nhất là các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, các quy định, chế tài xử phạt trường hợp vi phạm và có những dẫn chứng về hậu quả của việc TH, HNCHT để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với con em mình và những người thuộc lứa tuổi trước kết hôn. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. 

Với những quyết tâm, giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, tin tưởng rằng, tình trạng TH, HNCHT trên địa bàn xã Tân Nguyên sẽ được giảm thiểu. 

Văn Dương

Tags Tân Nguyên Yên Bình tảo hôn cận huyết thống

Các tin khác
Để giải quyết triệt để tình trạng xuất cảnh trái phép, các địa phương cần triển khai hiệu quả các chương trình, dự án để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, có thu nhập và cuộc sống ổn định.

Tỉnh Yên Bái có 57,9% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của một bộ phận còn hạn chế… là nguyên nhân dẫn đến một số lao động xuất cảnh trái phép (XCTP) ra nước ngoài tìm kiếm việc làm. Không chỉ vi phạm pháp luật, XCTP để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và các chiến sĩ bám trụ giữ chủ quyền Cô Lin sau ngày 14/3/1988. Ảnh tư liệu

Bốn ngày trước, nhạc sĩ Trương Quý Hải hoàn thành ca khúc "Vòng tròn bất tử" như một nén hương tri ân những chiến sĩ hải quân đã ngã xuống ở Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Thầy giáo Vũ Tuấn Anh (bên phải)- Trưởng khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao tặng quà cho bà con bản Kể Cả, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.

Vừa qua, đoàn thanh niên Khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phối hợp với Huyện đoàn Mù Cang Chải tặng quà "Xuân yêu thương" cho học sinh bản Kể Cả, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.

Toàn cảnh Lễ khởi công

Vừa qua, Huyện đoàn Mù Cang Chải tổ chức lễ khởi công 4,5 km đường giao thông nông thôn tại thôn Trống Khua, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục