Huyện Văn Yên hiện có trên 129.000 người, gồm 12 dân tộc chính, đồng bào DTTS chiếm trên 50% dân số toàn huyện. Trong đó, dân tộc Dao 27,03%, dân tộc Tày 15,97%, dân tộc Mông 4,90%...
Ông Phương Quốc Khải - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Yên trao đổi: "Để từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, năm 2020, huyện đã triển khai hiệu quả Chương trình 135, sửa chữa các công trình đường thôn Khe Giềng, đường thôn Khe Tăng và đường thôn Minh Khai xã Quang Minh; đường thôn Hạnh Phúc xã Tân Hợp; đường thôn Khe Hao xã Phong Dụ Hạ; đường liên thôn Tháp Con - Tháp Cái xã Viễn Sơn; đường thôn Đá Đứng, xã Đại Sơn; đường thôn Khe Lợ - Khe Viễn, xã Viễn Sơn; cầu treo Khe Ngõa, xã Mỏ Vàng; Trạm biến áp thôn Ngòi Làn, xã Châu Quế Thượng... với tổng vốn đầu tư 11.366 triệu đồng cùng với duy tu, bảo dưỡng hàng chục công trình hạ tầng khác...”.
Trong năm qua, huyện đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai đầu tư xây dựng đường thôn, hạng mục lưới điện 35KW và 0,4KV, nhà văn hóa thôn Liên Sơn, xã Lang Thíp; đường bê tông thôn Khe Mạng xã Phong Dụ Thượng với tổng vốn đầu tư xây dựng 8.573 triệu đồng.
Ngoài ra, còn triển khai thực hiện 35 tiểu dự án thuộc Chương trình 135 gồm: hỗ trợ một lần cho các hộ mua giống trâu, bò sinh sản (5 tiểu dự án); hỗ trợ 1 lần hộ nghèo chăn nuôi gia cầm với quy mô 50 con/ lứa (13 tiểu dự án); hỗ trợ một lần cho hộ, nhóm hộ mua máy móc, công cụ (11 tiểu dự án); hỗ trợ 1 lần giống cây lâm nghiệp cho hộ có diện tích 0,5 ha trở lên (4 tiểu dự án); hỗ trợ 1 lần cho hộ chăn nuôi lợn nái sinh sản (2 tiểu dự án) với tổng kinh phí 4.572 triệu đồng.
14 tiểu dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ngoài chương trình 30a, chương trình 135 gồm: hỗ trợ một lần cho các hộ mua giống trâu, bò cái sinh sản (2 tiểu dự án); hỗ trợ 1 lần hộ nghèo chăn nuôi gia cầm với quy mô 50 con/ lứa (9 tiểu dự án); hỗ trợ một lần cho hộ, nhóm hộ mua máy móc, nông cụ (3 tiểu dự án) cho hơn 2.139 hộ ở 10 xã gồm Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, Lang Thíp và 49 thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tráng A Sang A ở thôn Khe Tấu, xã Phong Dụ Thượng phấn khỏi cho biết: "Cùng với số lượng quế giống được Nhà nước hỗ trợ từ chương trình chính sách, năm 2010 tôi vay được 20 triệu đồng vốn chính sách, năm 2018 tiếp tục vay 30 triệu đồng vốn chính sách để đầu tư trồng quế. Đến nay, gia đình đã có hơn 2 ha quế từ 2 đến 10 năm tuổi, kết hợp chăn nuôi và làm nông nghiệp nên năm vừa qua gia đình tôi đã được địa phương xét thoát nghèo”.
Ngoài các chương trình chính sách đầu tư của Nhà nước, Văn Yên còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là cây quế một trong những cây trồng chủ lực của huyện.
Đến nay, toàn huyện có tổng diện tích quế trên 50.412 ha, hơn 25.360 ha tập trung ở 8 xã vùng đồng bào DTTS là Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn và Mỏ Vàng. Hàng năm, nhân dân đã trồng mới bình quân từ 2.000 - 2.300 ha, khai thác tổng trên 6.000 tấn vỏ quế khô; tận thu 63.500 tấn cành lá, hơn 50.800 m3 gỗ xương quế bán ra thị trường, thu về trên 600 tỷ đồng mỗi năm.
Việc triển khai đầu tư có hiệu quả các chương trình, dự án cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, đến nay huyện Văn Yên đã có 12/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên 2.000 hộ thoát nghèo năm 2020, giảm hộ nghèo toàn huyện xuống còn 1.687 hộ năm 2021, chiếm tỷ lệ 4,765 và đã có hàng trăm hộ đồng bào DTTS thoát nghèo từ các mô hình phát triển kinh tế mới.
A Mua