Giá lợn hơi lên đến trên 70.000 đồng mỗi ký, đúng là nuôi lợn cho lãi cao, anh hàng xóm hăng hái về quê bắt đàn lợn hơn chục con về nuôi nhằm tận dụng thức ăn thừa của cả khu và tạo việc làm cho cô vợ thất nghiệp vì công ty ngưng sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mọi người đều ủng hộ vì gia đình khó khăn, chồng đi xây thuê, nắng làm, mưa nghỉ, lại còn hai con ăn học! Người sang hỗ trợ sửa chuồng, người giới thiệu đại lý cám giá hợp lý, cho nợ đến khi bán lợn mới phải trả.
Chiều chiều, các bà, các chị hăng hái bưng sang bát cơm nguội, chậu nước mổ cá… cho lợn ăn. Phải nói, nhà ấy mát tay nuôi lợn. Cả đàn lớn nhanh như thổi, tốc độ tăng trọng gần ba chục ký mỗi tháng chứ không vừa. Mừng cho gia đình nhưng khổ nỗi thì cả xóm phải chịu đựng mùi xú uế, nhất là những ngày trời nồm.
Điểm ô nhiễm môi trường đã "lọt tầm ngắm” của nhà chức trách. Một hôm, cán bộ khu phố đã có mặt tại chuồng lợn nhà anh chị hàng xóm với những phê bình "Vi phạm quy định chăn nuôi trong khu dân cư”, "Nguồn thải gây ô nhiễm môi trường”, "Xả thải không phép”, "Mất mỹ quan, ảnh hưởng đến phong trào xây dựng đời sống mới”, "Phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu cuối năm nay khu phố không được công nhận là khu phố văn hóa tiêu biểu”.
Khi các ông bà cán bộ khu phố ra về, mấy anh em trong xóm ngồi lại tìm cách tháo gỡ. Bàn đi, tính lại chưa biết cách gì là hay; câu hỏi đặt ra là phải có việc làm, thu nhập duy trì cuộc sống vì trăm nghìn thứ phải chi tiêu.
- Thế lợn hơi bây giờ giá bao nhiêu? Hạch toán xem, giờ mà bán lợn thì lãi hay lỗ?
- Lãi thì có lãi rồi, nhưng đàn lợn đang đẹp, đang lớn nhanh, giá mà để tháng nữa thì lãi hơn.
- Thì ai chẳng mong thế, nhưng chính quyền nhắc nhở rồi, hơn nữa mức độ ô nhiễm cũng khá trầm trọng, vì thế, xuất bán đi.
- Bán đi thì bây giờ làm gì, không lẽ một năm hai lần mất việc.
- Tôi tính thế này, bán lợn đi rồi cô qua xưởng sửa chữa nhà tôi, trước là cơm nước cho thợ, dọn dẹp vệ sinh, thu ngân, đi lấy đồ thay thế; dần dần tham gia phụ việc, lương thưởng dần dần mà lên.
- Được vậy thì tốt, em chẳng nề hà gì nhưng sửa chữa ô tô thì chắc khó lắm, em sợ không làm nổi - nãy giờ cô hàng xóm ngồi yên trong góc phòng, thấy nhắc đến mình mới ấp úng.
- Có ai sinh ra là biết tất cả ngay đâu, học rồi khác biết hết, anh em thợ sẽ chỉ bảo dần dần.
Từ hôm ấy, cô hàng xóm đã làm việc ổn định trong xưởng sửa chữa ô tô; nấu ăn, dọn dẹp, rửa xe trước khi vào xưởng. Sáng nay, qua xưởng để bơm cái lốp, tình cờ thấy cô hàng xóm đang hì hụi tháo ốc vít dưới sự chỉ dẫn của anh thợ cả. Tay thì lấm, mặt còn nhọ nhem nhưng cô nở nụ cười thật tươi.
Lê Tấn Đạt