Với phương thức chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua thẻ ATM có rất nhiều tiện ích như hàng tháng người thụ hưởng lương hưu, trợ cấp không phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM giúp người hưởng chế độ hạn chế đi lại, tiếp xúc, đảm bảo an toàn và giãn cách xã hội.
Đối với người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp, phương thức chi trả không dùng tiền mặt góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả chế độ cho người lao động, thời gian giải quyết rút ngắn.
Do đó, đảm bảo người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, an toàn, đúng thời gian quy định. Với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này đảm bảo an toàn mục tiêu tiền mặt trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, tránh được sai sót, giảm thời gian tổ chức chi trả và các bước trung gian qua chủ sử dụng lao động.
Bà Đinh Thị Nhung - cán bộ hưu trí phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho biết: "Trước đây khi nghe nhân viên bưu điện tuyên truyền về việc đăng ký chi trả lương hưu qua thẻ ngân hàng ATM, tôi thấy hơi ngại. Tuy nhiên, năm 2020 khi xuất hiện dịch Covid-19 để hạn chế tiếp xúc đông người tôi đăng ký trả lương qua thẻ. Sau 1 năm sử dụng tôi thấy rất hài lòng. Tiện lợi nhất là mỗi lần đi chơi dài ngày không phải lo lắng chuyện đi lấy lương hưu định kỳ tại nơi tập trung, mà trả qua thẻ như này lại tiết kiệm được vì chỉ khi tôi cần tiền tiêu mới đi rút”.
Mặc dù có nhiều tiện ích so với hình thức thanh toán tiền mặt, song số lượng người dân đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ ngân hàng ATM trên địa bàn tỉnh còn thấp so với tổng số người hiện hưởng. Tính đến nay, có trên 6.800 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM, đạt gần 18%/ tổng số người hưởng.
Theo chúng tôi tìm hiểu, nguyên nhân ít người đăng ký tham gia chi trả qua tài khoản ATM là: hiện nay hệ thống máy ATM của các ngân hàng chưa nhiều mới chỉ tập trung ở khu vực thành phố, trung tâm huyện, thị xã; số người được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đa phần là người già, người dân tộc thiểu số khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ...
Bà Nguyễn Thị Thu ở tổ 10, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tôi nghỉ chế độ từ năm 2006 đến nay đã 15 năm đi lĩnh lương hưu tại Bưu điện tỉnh, gần đây các cô nhân viên phổ biến lợi ích của việc chi trả lương hưu vào tài khoản cá nhân, nhưng tôi tuổi đã cao, mắt lại kém sẽ khó khăn cho việc rút tiền tại cây ATM vì tôi thấy bảo rút được tiền phải ấn nhiều bước lắm…”.
Theo kế hoạch, Yên Bái phấn đấu đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 28% số người nhận lương hưu, 80% người nhận trợ cấp BHXH một lần, 98% người hưởng trợ cấp thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, thời gian tới, ngoài việc giao chỉ tiêu phấn đấu cho BHXH các huyện, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chi trả an sinh qua hệ thống ngân hàng trên các phương tiện thông tin.
Phối hợp chặt chẽ với Bưu điện kết hợp vừa thực hiện chi trả vừa tuyên truyền, vận động trực tiếp tại nơi chi trả để người hưởng hiểu rõ hơn về tiện ích của việc giao dịch qua tài khoản cá nhân. UBND tỉnh ban hành Văn bản số 788/UBND-VX ngày 24/3/2021 chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt; nhất là chỉ đạo các ngân hàng tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp hợp lý mạng lưới ATM để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng.
Hồng Duyên