Xuất hiện nhiều ca bệnh
Theo báo cáo từ các phòng khám của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TPHCM), từ tháng 2 đến nay ghi nhận hàng chục trẻ mắc bệnh quai bị. May mắn, tất cả đều ở thể nhẹ, không có trường hợp biến chứng nặng và thành phố không phải công bố ổ dịch.
Theo bác sĩ CK2 Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, bệnh quai bị do virus quai bị thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên; lây truyền theo đường hô hấp, qua các bụi nước của hơi thở, truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Bệnh quai bị rất phổ biến, có đặc điểm dịch tễ rõ ràng, thường phát bệnh trong giai đoạn chuyển mùa, có nguy cơ bùng lên thành dịch ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học…
Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14-24 ngày (giai đoạn ủ bệnh đã có thể lây lan), người bệnh có biểu hiện sốt cao từ 38-39°C, đau đầu, chán ăn, cảm giác khó nuốt, khó nói chuyện và đau nhức các khớp xương. Bên cạnh đó, vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai và lan xuống dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài, có khi sưng lan đến ngực gây phù trước xương ức. Tuyến mang tai trong bệnh quai bị thường sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng từ từ trong khoảng 1 tuần.
Song song với các tổn thương ở tuyến nước bọt, virus quai bị còn gây viêm tinh hoàn (có thể gây vô sinh ở nam giới), viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi kẽ, viêm đa khớp...
Bác sĩ Dư Tuấn Quy cảnh báo: "Chúng tôi lo nhất là trẻ không được tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ mũi, có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh, lây lan trong cộng đồng; đặc biệt trong tháng 4 đến tháng 5, đây là thời điểm bệnh quai bị xuất hiện mạnh ở khu vực phía Nam”.
Th.S-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), cho biết, gần đây khoa Nam học thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nam giới đến khám và điều trị hiếm muộn, vô sinh do tai biến của bệnh quai bị. Các bệnh nhân lứa tuổi phổ biến từ 20-35, trong đó nhiều trường hợp chưa lập gia đình. Bệnh nhân đến khám có tiểu sử bị viêm tinh hoàn từ biến chứng của bệnh quai bị, hậu quả của viêm tinh hoàn là teo tinh hoàn, dẫn đến giảm thể tích tinh hoàn. Theo bác sĩ Dũng, các trường hợp này mắc bệnh quai bị do chưa từng tiêm phòng bệnh, chưa có miễn dịch với bệnh.
Vaccine + 5K
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) TPHCM, chia sẻ, trong danh mục 24 bệnh truyền nhiễm cần phải kiểm soát có tên bệnh quai bị. Tuy tỷ lệ tử vong rất thấp (khoảng 1/10.000 trường hợp mắc), nhưng đây là căn bệnh có những biến chứng nguy hiểm. Bệnh quai bị đã cơ bản được kiểm soát nhờ vai trò của công tác truyền thông và tiêm chủng. Trẻ em được phòng ngừa quai bị hiệu quả nhờ mũi tiêm vaccine 3 trong 1 (sởi - Rubella - quai bị), trong đó, mũi 1 được tiêm khi trẻ 12-15 tháng tuổi, mũi 2 được tiêm khi trẻ từ 4-6 tuổi hoặc sớm hơn khi có dịch bệnh xảy ra.
"Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tiêm chủng ít nhiều bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là nhiều phụ huynh có tâm lý e ngại, lo lắng nên không cho trẻ đến cơ sở y tế để tiêm chủng đúng lịch”, bác sĩ Lê Hồng Nga cho hay.
Bác sĩ Lê Hồng Nga khẳng định, biện pháp phòng ngừa có hiệu quả nhất đối với bệnh quai bị là tiêm vaccine phòng bệnh, bắt đầu từ 12 tháng tuổi trở lên, để cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong một thời gian dài hoặc có thể suốt đời. Trường hợp những người đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc quai bị mà chưa tiêm vaccine phòng quai bị thì cần tiêm ngay để có thể bảo vệ bản thân tránh lây nhiễm. Lưu ý, cần tiêm vaccine phòng quai bị không quá 72 giờ sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Đồng thời, trên địa bàn thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bao gồm các nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế và không tập trung nơi đông người) nhằm đảm bảo việc tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả. Do đó phụ huynh không nên lo lắng thái quá, cần cho trẻ đến các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng theo đúng độ tuổi, đúng lịch và số lượng mũi vaccine tiêm chủng.
Bên cạnh đó, khi người thân mắc bệnh quai bị, người nhà cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Người bị bệnh phải nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho người khác. Đặc biệt, không cho người bệnh vận động nhiều vì dễ gây biến chứng; đắp khăn ấm vùng tuyến mang tai, mặc quần lót nâng dịch hoàn để giảm đau, giảm căng; vệ sinh cá nhân và tẩy uế sát trùng các chất dịch tiết.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần phân biệt bệnh quai bị và bệnh bạch hầu vì kiểu sưng của 2 bệnh này gần giống nhau. Trẻ mắc bệnh bạch hầu sẽ bị sưng một lúc ở 2 bên hàm, cổ bạnh ra, sốt cao, người lừ đừ. Bệnh bạch hầu phải được điều trị, cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ rất dễ gây tử vong.
(Theo SGGP)