Mới học vỡ lòng - độ tuổi còn rất nhỏ nhưng cũng là lúc mỗi đứa trẻ đã bắt đầu tò mò muốn biết về thế giới xung quanh. Với tôi, cái "thế giới xung quanh” của mình lúc bấy giờ là bộn bề những chuyện về chiến tranh. Thậm chí, được chứng kiến cả những khoảnh khắc ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, được tự hào chứng kiến thế hệ cha anh ra trận... Bởi thế, bao ký ức thời thơ bé mãi mãi chẳng hề phai, để mỗi khi nhớ lại, tôi nhớ về những tháng ngày cả người lớn, trẻ nhỏ đều khao khát những đêm trăng sáng.
Hồi ấy, mọi công việc hầu như đổ dồn vào cả ban ngày. Còn lúc đêm về, cả làng như triền miên chìm trong bóng tối. Bếp lửa nhà nhà đều được vun gọn lại đống tro rồi quây bằng tấm tôn cắt ra từ chiếc xô hỏng hoặc quây bằng gạch để ủ nồi cám lợn. Bọn trẻ chúng tôi ngồi học trong nhà bằng chiếc đèn dầu đựng trong lòng chiếc ống bương được vạt đi một nửa. Như thế để không lóe lên những ánh lửa khiến cho máy bay địch dễ bề phát hiện.
Tôi nhớ về bức vách nứa trong buồng và cũng là nơi tôi vẫn thích thú đứng ngắm 2 khẩu súng trường, đôi vòng lá ngụy trang của bố và chị gái. Bố dặn mọi người không được ngoắc thêm bất kỳ thứ gì lên đó, để hễ nghe có trống báo động dân quân là dù đêm hay ngày bố cùng chị tức tốc khoác súng, đeo vòng ngụy trang chạy đi làm nhiệm vụ. Phía ngoài bức vách ngoắc lên đủ thứ như nong, nia, giỏ nứa, gầu sòng... và 3 chiếc mũ rơm của chị em tôi.
Những chiếc mũ ấy đã đong đầy bao kỷ niệm. Nó là thứ mà cô giáo luyện tập và bắt buộc chúng tôi phải đội lên đầu thật nhanh khi chạy xuống giao thông hào trú ẩn. Ngồi dưới hầm rồi thì hai tay phải giữ cân vành mũ...
Cô giải thích, chiếc mũ này không chỉ để che nắng, che mưa mà còn giúp ta tránh được bị thương nếu không may khi bom địch ném xuống, đất đá bay tung tóe. Có lúc ở nhà, chị em tôi chẳng ai bảo ai tất cả đều đội mũ chui xuống hầm cả ngày lẫn đêm.
Đó là vào cuối năm 1972, bầu trời đêm ngày bỗng dưng ràn rạt máy bay Mỹ. Nghe người lớn nói, chúng bay về để đánh phá thủ đô Hà Nội nên bọn trẻ chúng tôi phải nghỉ học. Ban ngày ở dưới hầm còn dễ chịu, chứ về đêm thì khổ lắm.
Trời rét căm căm, đêm dài, hầm chật, nước rỉ ra từ những dễ cây bị chặt đứt bên vách hầm khiến lòng hầm ẩm thấp, ngột ngạt không thể nào chợp mắt được. Qua được hai ngày, mọi người đã biết máy bay chỉ bay qua nên chúng tôi không còn phải chui xuống hầm nữa.
Khỏi phải nói là chúng tôi sung sướng biết nhường nào khi cả chục ngày trời ngồi dưới bóng cây được người lớn chỉ cho xem máy bay ta đuổi đánh máy báy địch như vẽ vòng nhào lộn trên không, được nhìn thấy máy bay địch bốc cháy lao vút đi như chùm lửa khổng lồ, nhìn thấy những chiếc dù bật ra từ máy bay cháy, nhìn máy bay "chuồn chuồn” của địch đi giải cứu phi công và dân quân ta súng ống ào ào lao về phía chiếc dù đang lơ lửng...
Cũng trong những năm tháng ấy, chúng tôi được chứng kiến những tốp máy bay địch bay tà tà chừng bảy mươi đến khoảng trăm mét qua cánh đồng trước nhà. Mọi người kháo nhau là, máy bay địch kéo lên đánh phá mạn Yên Bái. Sau này lớn lên, tìm hiểu qua sách báo mới biết, địch bay như thế là nhằm lợi dụng độ cao của những dãy núi kéo dài hàng mấy chục cây số để tránh tầm kiểm soát ra - đa của chúng ta.
Cùng với chứng kiến những thời khắc ác liệt, trong ký ức, chúng tôi cũng luôn nhớ về một thời hào hùng cả nước ra trận. Đồng ruộng quê tôi rộng mênh mông mà dân thì thưa thớt, nên chỉ có ra sức thi đua thì mới hoàn thành sản xuất. Vậy là, hình ảnh người nông dân nô nức hò nhau đi bừa lúc xế chiều hay bừa từ lúc 3 đến 4 giờ sáng; người người thi nhau nhổ mạ, cấy lúa đêm trăng… đã làm cho cánh đồng thời chiến thêm phần rộn rã.
Làm ruộng hợp tác xã có năm kém thóc, nhưng bố mẹ tôi và bà con trong làng xóm vẫn hồ hởi dành những phần thóc đẹp nhất, nộp thuế nhanh nhất để lương thực kịp thời ra mặt trận. Nhà nhà thi đua nuôi lợn, nuôi gà cho thật béo tốt để nộp nghĩa vụ cho Nhà nước.
Thanh niên trai tráng trong làng háo hức tòng quân. Ai khám sức khỏe rồi mà chưa được gọi nhập ngũ thì quyết tâm phấn đấu cho kỳ được. Người không đủ chiều cao, cân nặng thì cũng cố để được vào thanh niên xung phong.
Hồi ấy, tân binh lên đường được tổ chức thật đơn giản, không có liên hoan tập thể và làng tôi có lệ hễ ai đi bộ đội thì trước ngày nhập ngũ phải dành thời gian đi chào các nhà trong xóm. Vào dịp ấy, dù bận đến đâu thì mỗi nhà đều cắt cử người ở nhà để còn được tiếp đón và tạm biệt tân binh. Tôi không nhớ bao lần các chú, các anh tân binh khi qua nhà mình chào tạm biệt là tôi lại bám theo đi khắp xóm.
Vui lắm! Nhất là hay được ăn những chiếc bánh, những loại trái cây ngon mà mỗi nhà bày ra để tiếp tân binh. Ngày nhập ngũ, các tân binh thường tập trung ở sân kho của thôn. Bà con già trẻ, gái trai kéo đến bịn rịn tiễn đưa rồi mấy chị, mấy anh lấy xe đạp lai tân binh xuống huyện đội hội quân.
Nhìn các chú các anh đi khuất, các bà, các chị lại bảo chúng tôi: "Lớn nhanh lên mà đi bộ đội nhé”. Quả thực, chúng tôi cũng ao ước được như thế lắm! Sau những lần như thế, lúc nghỉ học, chúng tôi thường rủ nhau ra chơi ở gần đường lớn để chờ xem bộ đội hành quân qua làng. Và hễ được trông thấy có bộ đội là chúng tôi ùa ra xem trong hàng quân ấy có các chú, các anh của mình hay không…
Rồi đến một ngày, trong làng đâu đâu cũng lộ lên câu chuyện niềm vui chiến thắng ở khắp các chiến trường và mọi người thường tụ tập nhau quanh một chiếc đài nhỏ để nghe tin tức. Và trong ngày chiến thắng, lũ trẻ chúng tôi tha hồ chạy nhảy khắp làng; leo lên đồi cao để ngắm nhiều cờ đỏ sao vàng tung bay trên mỗi nóc nhà và sướng nhất là được đi bộ xuống tận thị trấn huyện để được ngắm cờ đỏ rợp đường, người người náo nức ra đường vui chơi mừng chiến thắng.
Thấm thoắt đã 46 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất, đất nước. Mỗi khi nhớ về khoảnh khắc ấy, lòng tôi luôn chộn rộn nhớ và nao nao cảm xúc tự hào về một thời oanh liệt của đất nước để thêm yêu, thêm trân trọng một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay.
Sơn Nam