Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 47,74% tổng số các vụ TNLĐ; do người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn ATVSLĐ chiếm 16,42%; các nguyên nhân khác chiếm 35,84%.
Thời gian gần đây, tình hình TNLĐ có chiều hướng gia tăng và những vụ TNLĐ nặng xảy ra ở một số công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như khai thác khoáng sản, thi công xây dựng... Nếu như năm 2019, số vụ TNLĐ 16 vụ thì năm 2020 là 25 vụ; số nạn nhân bị TNLĐ năm 2019 là 16 người thì năm 2020 là 26 người; năm 2019 có 2 vụ có người chết thì năm 2020 là 7 vụ.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về ATVSLĐ tuy được quan tâm nhưng nội dung chưa phong phú. Những doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp có quy mô số lượng lao động nhỏ, doanh nghiệp tỉnh ngoài đến hoạt động chưa nắm bắt được hết hệ thống pháp luật về lao động, ATVSLĐ.
Việc triệu tập người làm công tác ATVSLĐ ở các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các lớp huấn luyện, phối hợp xây dựng mô hình quản lý, đo kiểm tra đánh giá môi trường lao động, tư vấn cải thiện điều kiện làm việc gặp nhiều khó khăn. Công tác tham gia giám sát của tổ chức công đoàn, mạng lưới an toàn viên cơ sở về ATVSLĐ chưa thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.
Trước tình hình đó, Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay được phát động với chủ đề "Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”.
Theo đó, từ ngày 1 - 31/5/2021, các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ, NLĐ làm các ngành, nghề, lĩnh vực có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ cho người lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp phát động phong trào thi đua cam kết bảo đảm ATVSLĐ và tổ chức cho các phân xưởng, tổ, đội sản xuất đăng ký, không để xảy ra TNLĐ, sự cố sản xuất…
Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tích cực triển khai các hoạt động thăm, động viên, tặng quà các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNLĐ có hoàn cảnh khó khăn và thân nhân các gia đình bị TNLĐ.
Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật ATVSLĐ, tập trung vào những nội dung nội quy, kế hoạch và tổ chức thực hiện ATVSLĐ tại nơi làm việc; công tác huấn luyện ATVSLĐ; chăm sóc sức khỏe và thực hiện chế độ cho NLĐ; kiểm định máy, thiết bị; biện pháp cải thiện điều kiện, môi trường lao động…
Các doanh nghiệp cũng thực hiện tự kiểm tra công tác ATVSLĐ tại đơn vị, duy trì các hoạt động thường xuyên về ATVSLĐ theo quy định pháp luật; trong đó, tập trung vào rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ với các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Các cấp công đoàn, công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tự tiến hành kiểm tra công tác ATVSLĐ nhằm phát hiện những hành vi vi phạm và trường hợp nguy cơ rủi ro có thể xảy ra tại nơi làm việc để kịp thời ngăn chặn…
Ông Lê Văn Lương - Phó Giám đốc Thường trực Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Không chỉ trong Tháng hành động, các cơ quan, đơn vị và địa phương vẫn tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo, theo dõi việc tổ chức khắc phục các tồn tại, thiếu sót về công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ. Các doanh nghiệp có các biện pháp khắc phục khi các điều kiện lao động không bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, NLĐ phải luôn nâng cao ý thức trong việc tự đánh giá nguy cơ rủi ro trước và trong quá trình lao động”.
Thu Hiền