Theo chị Lê Thị Tươi, tổ 2, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Do đặc thù công việc vợ chồng tôi đều công tác ngành y tế, thường xuyên đi trực, tôi không có thời gian ngày nào cũng đi chợ mua thực phẩm nên tôi thường chọn mua thực phẩm các đại lý, cửa hàng bán thực phẩm sạch. Ở đó, các mặt hàng đa dạng, được bảo quản quy chuẩn, có hạn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên tôi cũng yên tâm”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hợp, ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình thì trong những ngày nắng nóng bà luôn chú ý đến chế độ ăn và chất lượng bữa ăn cho cả gia đình. Thực phẩm được mua khi còn tươi, nhất là các loại thịt, cá; với các loại rau, củ, quả, bà rửa kỹ bằng nước sạch hoặc nước muối loãng. Bà cũng thường chú ý khâu vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống trong quá trình chế biến thực phẩm.
Đối với tủ lạnh, bà Hợp phân loại thực phẩm để có cách bảo quản hợp lý, đồ ăn chín được cho vào các hộp đựng đậy nắp để không bị nhiễm vi khuẩn từ các loại đồ ăn tươi sống khác. Bà cũng thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình hết sức lưu ý khi ăn các loại thức ăn đường phố hoặc các món ăn có nguy cơ cao như tiết canh, nem chua…
Ngoài thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế, chế biến sẵn thường được bày bán tại khu vực đông dân cư, gần trường học, bến xe hay các bệnh viện... thu hút khá đông thực khách. Chị Hoàng Thị Hạnh, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho biết: "Do đặc thù công việc cả 2 vợ chồng tôi đều đi làm về muộn, nên tôi thường mua đồ ăn đã được sơ chế hoặc chế biến sẵn ở những hàng quán cố định và có đủ điều kiện hợp vệ sinh”.
Không chỉ người tiêu dùng chủ động có những biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm mà tiểu thương, chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm cung ứng những sản phẩm chất lượng, tươi ngon đến người tiêu dùng.
Chị Triệu Thị Hằng, tiểu thương chợ Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Bán hàng nông sản hơn chục năm nay tại chợ, tôi thấy mấy năm trở lại đây người tiêu dùng đã chú trọng hơn đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, ngoài lấy hàng tại sạp buôn tôi lấy thêm hàng của tổ hợp tác hay hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn để bán. Mùa hè rau củ dễ héo, hỏng, tôi lấy hàng bán trong ngày nên rau, củ lúc nào cũng tươi ngon, khách hàng tin tưởng”.
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng cháo dinh dưỡng Tin Tin trên đường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Cửa hàng chuyên phục vụ bữa ăn cho đối tượng là trẻ em, chính vì vậy hầu hết tôi chọn mua thực phẩm tại các cửa hàng tiện ích, cửa hàng bán thực phẩm sạch, đảm bảo tươi ngon. Không chỉ chú trọng khâu chọn thực phẩm, cửa hàng luôn giữ vệ sinh khi sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm. Tôi và nhân viên bán hàng cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) do thành phố, phường tổ chức và luôn nêu cao ý thức trách nhiệm để mang đến khách hàng sản phẩm ngon, chất lượng nhất”.
Thực tế, người tiêu dùng ngày càng nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo đảm ATTP, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm nhất là trong mùa hè; còn người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống cũng có trách nhiệm hơn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Có được kết quả trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng cách chọn mua thực phẩm an toàn, chế biến thực phẩm an toàn; khuyến khích người dân chủ động lựa chọn các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và tẩy chay các mặt hàng không bảo đảm các yếu tố VSATTP; phổ biến các quy định của pháp luật về VSATTP; các tiêu chuẩn, quy định và kiến thức khoa học để giúp mỗi người nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm VSATTP. Ngoài ra, xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATTP, ngộ độc thực phẩm… cũng là điều hết sức cần thiết.
Thu Hiền