Kết nối yêu thương trong trạng thái "online” thời Covid
Phong tỏa quốc gia, đóng cửa biên giới, ngừng các hoạt động giao thông, cách ly toàn xã hội…, khiến nhiều gia đình chỉ có thể nhìn nhau và trao yêu thương qua màn hình laptop, điện thoại… Dù vậy ai trong số chúng ta cũng đều nhận thức rõ việc phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 là trách nhiệm chung của mọi người, của toàn xã hội. Việc kết nối yêu thương trong trạng thái "online” giữa mùa dịch đã giúp cho nhiều gia đình cảm thấy thật ý nghĩa và ấm áp hơn mà vẫn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Làm dâu ở đất nước Mặt trời mọc Nhật Bản, chị Đào Thùy Linh ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái đã phải ở lại Việt Nam gần 2 năm nay do dịch bệnh Covid-19.
Để "hâm nóng” tình cảm gia đình giữa đại dịch, chị Linh và chồng mình thường thu xếp thời gian để online qua mạng. Chị Linh chia sẻ: "Thời gian đầu tôi cũng nhớ gia đình mình nhiều lắm. Nhưng suy nghĩ tích cực thì đây là khoảng thời gian giúp những cặp vợ chồng trẻ như mình được "thử lửa” để từ đó tiếp thêm tinh thần, niềm tin vượt qua những khó khăn khác trong cuộc sống”.
Mẹ con chị Linh và chồng mình thường thu xếp thời gian từ 30 phút tới một giờ đồng hồ để trò chuyện qua video với nhau.
Anh Takahashi Yuto - chồng chị Linh cho biết: "Bí kíp của chúng tôi là luôn dành thời gian cho nhau nhiều nhất có thể. Bởi sống xa nhau là cả hai đều có cuộc sống riêng, bạn bè và công việc rất khác biệt nên cần sắp xếp thời gian cho nhau, khiến nửa kia cảm thấy được yêu thương và tôn trọng. Đôi khi chỉ là một cái nháy mắt hay nụ cười động viên qua màn hình cũng đủ khiến cho nhau cảm thấy ấm lòng hơn”.
Đối với anh Đinh Tuấn Hùng hiện sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh - địa phương đang có những diễn biến hết sức phức tạp về tình hình dịch bệnh Covid-19 thì quãng thời gian này quả thực khó khăn, khiến anh không thể về Yên Bái thăm gia đình như dự định.
Anh Hùng cho biết: "Vì tình hình chung nên kế hoạch về thăm gia đình của tôi phải hoãn lại. Thay vì về tôi gọi điện cho gia đình nhiều hơn; chọn quà gửi về cho mẹ dịp sinh nhật tới. Tôi nghĩ rằng mẹ tôi chắc chắn rất vui và hạnh phúc”.
Còn bà Phạm Lê Mai ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ đến hè là tôi lại về Hà Nội để trông cháu cho các con yên tâm đi làm. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên tôi chỉ nhìn và nói chuyện với các cháu qua những cuộc gọi video. Cũng may giờ công nghệ hiện đại, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể nói chuyện và nhìn thấy nhau cả ngày. Vì thế tôi cũng vơi bớt nỗi nhớ mong con cháu”.
Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong đời sống xã hội. Việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh là trách nhiệm không chỉ của mỗi gia đình mà còn của toàn xã hội. Song ở một góc nhìn khác, dịch bệnh là cơ hội để chúng ta sống chậm lại, cùng nhìn nhận lại bản thân để thêm trân trọng những giá trị cốt lõi của cuộc sống, yêu thương nhau nhiều hơn trong một trạng thái hoàn toàn mới để cùng nhau chung tay, góp sức chiến thắng đại dịch.
NHÂN LÊN GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH
Dịch bệnh Covid-19 đã làm xáo trộn đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình. Song ở góc nhìn khác, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về với giá trị gia đình, sưởi ấm tình cảm gia đình thiêng liêng, cùng xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Là giáo viên trường tiểu học, trước đây chị Lê Thu Giang, thôn Yên Minh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái thường không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Chị chỉ tranh thủ lúc sáng sớm và chiều tối để chăm lo cho chồng con. Hai con chị đang học bậc tiểu học, chồng làm bộ đội vắng nhà triền miên.
Những bữa cơm đầy đủ trọn vẹn của gia đình chỉ tính trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các trường học trên địa bàn thành phố Yên Bái cho học sinh nghỉ để phòng dịch, thay vào đó là việc dạy học trực tuyến (online). Điều chỉnh phương thức làm việc nên cách thức tổ chức cuộc sống cho gia đình nhỏ của chị Giang cũng thay đổi. Chị dạy online tại nhà, hai con cũng học online. Vợ, chồng, con cái chị Giang có nhiều thời gian ở nhà hơn trước. Chị vừa chủ động sắp xếp để dạy học vừa dành thời gian quan tâm, chăm sóc các con.
Chị Giang chia sẻ: "Bên cạnh những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chúng ta lại có nhiều thời gian hơn cho gia đình, tình cảm gia đình vì thế cũng gắn bó hơn, có trách nhiệm hơn với tổ ấm của mình”. Với bà Đỗ Thị Thơ, tổ 8, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái mùa hè này bà có nhiều thời gian đoàn viên bên con cháu. Các cháu bà thay vì nghỉ mát, dã ngoại hay tham gia các lớp năng khiếu hè đã tập trung bên ông, bà.
Bà Thơ cho biết: "Tôi có 2 cháu nội, 2 cháu ngoại. Năm nay, tình hình dịch, bệnh phức tạp, bố mẹ gửi chúng về ông bà. Mỗi ngày được quây quần bên các cháu, dạy các cháu đánh cờ, cuộc sống của hai ông bà bận rộn nhưng hạnh phúc”. Với nhiều gia đình, đây cũng là dịp để mỗi người nhìn nhận, suy ngẫm và hành động đúng đắn cho những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình; cho sự bình an của gia đình cũng như sức khỏe cộng đồng.
Bà Đỗ Thị Thơ, tổ 8, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái vui vẻ bên các cháu nội, ngoại trong dịp hè.
Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.
Đây là một trong những mục tiêu Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo khung chính sách giúp gia đình phát triển theo mục tiêu no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Tại tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình và trẻ em bằng nhiều hình thức; công tác lãnh đạo, chỉ đạo về gia đình được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Chị Hoàng Thị Thu Hiền, tổ 2, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái
Sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, cơ quan điều chỉnh kế hoạch làm việc, mình có nhiều thời gian ở nhà hơn trước, chủ động sắp xếp để vừa làm được việc cơ quan giao, vừa có thời gian nhiều hơn để chăm sóc con cái và gia đình. Theo tôi, đây là cơ hội để các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau. Ở nhà tôi cũng tranh thủ dạy các con nấu ăn, chăm sóc vườn rau trang bị cho các con thêm kỹ năng sống.
Chị Hà Thị Nhung, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái:
Trước đây cứ vào dịp cuối tuần, tôi thường xuyên đến các chợ, siêu thị để mua sắm. Nhưng từ khi có dịch bệnh COVID-19, thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh, hạn chế tập trung đông người, không ra ngoài khi không cần thiết, khi phải mua sắm tôi lên mạng và thực hiện mua sắm online. Đây là giải pháp hữu hiệu trong khi dịch, bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Anh Hờ A Chỉnh - Xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải:
Từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mình động viên tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình khi thực sự cần thiết mới đi ra ngoài xã. Đặc biệt, đi đâu cũng phải chấp hành các quy định phòng chống dịch, tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đưa ra. Thời gian ở nhà chống dịch, vợ chồng, con cái gia đình tôi có nhiều thời gian bên nhau. Qua đó, thêm hiểu, chia sẻ với nhau nhiều hơn để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm. |
GIỮ AN TOÀN CHO TRẺ TRONG MÙA HÈ CÓ DỊCH
Kỳ nghỉ hè 2021 - một mùa hè khá đặc biệt với các em học sinh khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương trên cả nước. Sẽ không còn một mùa hè được thoải mái đi chơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa, bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng sống, vui chơi nữa mà con trẻ chỉ quẩn quanh ở nhà. Làm sao để con trẻ có những ngày nghỉ hè an toàn, bổ ích, đảm bảo an toàn sức khỏe trong mùa dịch đang là trăn trở của nhiều gia đình.
Hè năm nào cũng vậy, ngoài lên kế hoạch cho cả gia đình đi du lịch vài ngày chị Nguyễn Thanh Nhị, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cũng đăng ký cho con tham gia các lớp học năng khiếu, lớp học kỹ năng sống để con có thêm những trải nghiệm mới. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên mọi kế hoạch đều bị thay đổi, chị rất băn khoăn về việc tìm niềm vui cho con trong kỳ nghỉ hè này.
Chị Nguyễn Thanh Nhị, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái dành thời gian cùng con sáng tác tranh trong những ngày hè.
Chị Nhị chia sẻ: "Tôi có hai con, cháu lớn học lớp 8, cháu nhỏ chuẩn bị lên lớp 1. Bình thường nghỉ hè gia đình tôi hay cho các cháu về chơi với ông bà. Năm nay, vợ chồng tôi đành chọn giải pháp để các cháu ở nhà khi bố mẹ đi làm rồi khóa cửa ngoài. Gia đình lắp thêm camera để quản lý con từ xa. Biết là không tốt nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác”.
Cùng chung nỗi niềm của chị Nhị, gia đình chị Trần Tâm Tư, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cũng loay hoay với việc quản lý cô con gái 11 tuổi và cậu con trai 5 tuổi. "Thời gian nghỉ hè các cháu ở nhà nhiều. Do hạn chế tiếp xúc, không được tham gia các hoạt động tập thể, bố mẹ làm công chức Nhà nước bận đi làm cả ngày, không thể kiểm soát chặt chẽ nên các con dễ bị cuốn vào tivi, điện thoại, ipad khiến tôi thực sự lo lắng” - chị Tư bộc bạch.
Sống trong dịch, nhiều gia đình đã tự tạo ra những hoạt động vui chơi bổ ích cho con trẻ. Cách mà chị Nhị áp dụng quản lý con trong những ngày hè là tận dụng gia đình có phòng vẽ tranh, chị mua đầy đủ bút màu, giấy vẽ rồi giao chủ đề để hai chị em ở nhà sáng tác. Còn chị Tư thì mua những cuốn sách, truyện hợp tuổi của con để tạo thói quen đọc sách cho con, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trong mùa dịch.
Anh Nguyễn Nghĩa - thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình cho hay: "Xác định sống chung với dịch nên tôi hướng dẫn con thiết kế thời gian biểu với nhiều hoạt động như: đọc sách, chơi trò chơi hoặc giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Khi tỉnh có công văn nới lỏng một số hoạt động, vào các buổi chiều sau giờ làm về, tôi cho các con ra sân nhà văn hóa vui chơi và cùng chơi cầu lông với các cháu.
Cách làm của chị Nguyễn Thị Mỹ Hà - phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là sau thời gian cho con rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông qua các phần mềm học tiếng Anh, vẫn cho các con xem thiết bị thông minh, nhưng có yêu cầu về thời gian. Vào ngày cuối tuần, chị và các con cùng tham gia nấu ăn vừa để các con biết thêm về nữ công gia chánh.
Xây dựng thời gian biểu hợp lý, sắp xếp cho trẻ có khoảng thời gian hoạt động ngoài trời để vừa giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, vừa mở mang hiểu biết về thiên nhiên đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế…đang là giải pháp hữu hiệu mà mỗi gia đình trên địa bàn tỉnh đang thực hiện để góp phần bảo vệ sức khỏe và sự bình an của gia đình và cộng đồng.
Thu Trang - Minh Huyền - Thanh Chi - Quyết Thắng