Theo báo cáo của BHXH tỉnh tính đến hết tháng 6/2021, toàn tỉnh có trên 809.704 người tham gia BHYT, tăng 6.394 người so với cùng kỳ năm trước, đạt 99,99% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 97,36%.
Một trong những nguyên nhân tỷ lệ người tham gia BHYT tăng cao là quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được đảm bảo; việc tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT của người dân ngày càng tốt hơn nhờ chính sách thông tuyến huyện trong KCB BHYT từ năm 2016; thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc từ năm 2021.
Tham gia BHYT thì tùy theo các nhóm đối tượng, được quỹ BHYT thanh toán 100% hoặc 95% hoặc 80% chi phí khám chữa bệnh nội và ngoại trú với các danh mục thuốc và dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế quy định từng thời điểm. Nhờ có tấm thẻ BHYT nhiều người cảm thấy an tâm hơn trong cuộc sống.
Ông Hoàng H. ở xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tôi bị bệnh tim bẩm sinh nên thường xuyên phải đi viện. Tiền thuốc thang, viện phí rất tốn kém. Nhờ có thẻ BHYT giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng kinh tế mỗi khi phải điều trị tại bệnh viện”.
Đặc biệt, trong thời gian qua, ngoài chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường quỹ BHYT còn chi trả nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính khác như: ung thư, tim mạch, suy thận đến các loại hình kỹ thuật cao như mổ nội soi, chụp CT scanner.
Theo số liệu thống kê trên hệ thống thông tin giám định BHYT, trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khám chữa bệnh cho 585.698 lượt bệnh nhân có thẻ BHYT với số tiền chi trả là 337.187 triệu đồng, trong đó nhiều trường hợp được Quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn hàng trăm triệu đồng.
Như trường hợp của bệnh nhân có mã thẻ DN2151502XXX ở thôn Nà Khao, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên được quỹ BHYT chi trả với số tiền trên 306 triệu đồng. Hay bệnh nhân có mã thẻ CK2151520904XXX ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên được quỹ BHYT thanh toán trên 217 triệu đồng... Với những trường hợp này, thẻ BHYT thật sự là chiếc phao cứu sinh giúp bản thân, gia đình người bệnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn gặp nhiều khó khăn hạn chế như: nhiều hộ ở nông thôn vẫn chưa có điều kiện tham gia BHYT do thu nhập thấp; nhiều gia đình đông con nên chưa thể tham gia BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình; công tác tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH, BHYT của một số cấp ủy chính quyền địa phương trong tỉnh có thời điểm chưa tích cực chỉ đạo, chính vì vậy mà hiệu quả công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, có sự chênh lệch giữa các tuyến, các vùng.
Do đó, để mở rộng đối tượng tham gia BHYT góp phần bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách và pháp luật của BHYT, BHXH để người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị hiểu về lợi ích, trách nhiệm và quyền lợi, chủ động tích cực tham gia BHYT.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHYT, đồng thời, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi để người KCB BHYT được thụ hưởng ngày càng tốt hơn các dịch vụ y tế.
Tham gia BHYT không chỉ nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật mà còn chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng, người dân hãy tích cực tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Văn Thông