Cụ thể hóa từ chính sách
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng CQĐT, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch quan trọng như: Quyết định số 2912/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kiến trúc CQĐT tỉnh Yên Bái; Quyết định số 1373/QĐ-UBND ngày 01/8/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2021, định hướng đến 2025; Quyết định 1820/QĐ-UBND ngày 19/8/2020 về việc phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Yên Bái; Chương trình hành động số 195-CTr/TU ngày 27/12/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW... Đây là những chương trình, nhiệm vụ mang tính đột phá trong lộ trình xây dựng CQĐT.
Cụ thể hóa những nội dung từ chính sách, thời gian qua, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông của tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng CNTT tại các cơ quan trong bộ máy được cải thiện với 100% máy tính từ tỉnh tới huyện, xã được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Trong đó, 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (tổng số 1.683 máy tính) và 100% cấp huyện (tổng số 863 chiếc máy tính) đã có mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao ADSL, FTTH; 100% các xã, phường, thị trấn được kết nối Internet bằng ADSL, FTTH, 3G với tổng số 3.831 máy tính. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh có tài khoản thư điện tử với tỷ lệ thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt 60%.
Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh được đầu tư hiện đại, triển khai tới 150 điểm cầu, mở rộng tới các xã trong toàn tỉnh. Nhiều cuộc họp quan trọng, họp khẩn chỉ đạo phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh, học tập, triển khai nghị quyết, chính sách mới… từ tỉnh tới các đơn vị, địa phương được thực hiện trực tuyến, vừa đảm bảo mục tiêu chống dịch, vừa lan tỏa kết quả nhanh nhạy hiệu quả.
Đặc biệt, hệ thống Cổng dịch vụ công, phần mềm quản lý văn bản đã được triển khai đồng bộ, liên thông 4 cấp tại 100% đơn vị với tổng số 2.195 thủ tục hành chính (TTHC); trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chiếm 21,36%. Việc ứng dụng CNTT thời gian qua đã góp phần để tỷ lệ giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp đạt trên 99%, tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng đạt xấp xỉ 100%...
Hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục nâng cao hoạt động CQĐT hướng tới xây dựng chính quyền số, tập trung xây dựng nền tảng, phát triển hạ tầng, ứng dụng CNTT sâu rộng, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao an toàn thông tin trong toàn hệ thống chính trị; ứng dụng thành tựu công nghệ 4.0 hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số.
Theo đó, phấn đấu xây dựng phát triển các hệ thống nền tảng CQĐT dùng chung của tỉnh gắn với xây dựng Đô thị thông minh trên cơ sở tuân thủ Kiến trúc chính quyền điện tử và Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh đã được phê duyệt. Đồng thời, hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia. Cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Mục tiêu trong năm 2021 là phấn đấu đạt 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống CQĐT được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin từ cấp tỉnh đến cơ sở thực hiện giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, từ đó giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh làm thủ tục không cần phải đến cơ quan Nhà nước; có tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC; tiếp tục triển khai xây dựng CQĐT gắn với Đề án đô thị thông minh, kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, cổng dịch vụ công trực tuyến...
Do đó, cùng tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng CNTT tiên tiến, hiện đại, an ninh, an toàn, tỉnh tiếp tục triển khai mở rộng các nhiệm vụ của đô thị thông minh tầm nhìn đến năm 2025, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 90% hồ sơ cấp huyện, 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết mức độ 3 và 4 đạt 50% trở lên; giảm thời gian chờ đợi của người dân và doanh nghiệp. Phát triển kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; ứng dụng rộng rãi nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng. Năng suất lao động tăng bình quân 6,2%/năm.
Từ đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, tiện lợi, an toàn cho doanh nghiệp, phấn đấu tiếp tục trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư khu vực Tây Bắc.
(Theo congthuong.vn)