Dự án được triển khai trên địa bàn hai xã Minh An và Bình Thuận (Văn Chấn) với mục tiêu: phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, cụ thể là bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mua bán người và những người có nguy cơ được tăng cường sự an toàn, phúc lợi và tiếng nói của bản thân. Từ tháng 10 năm 2019 đến nay, Dự án tập trung vào 4 mục tiêu chính.
Theo đó, Dự án đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh tại 2 xã, hỗ trợ các trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người xảy ra tại địa phương. Hai tổ phản ứng nhanh đã thực hiện gần 400 lượt thăm hộ gia đình nạn nhân hoặc nắm thông tin qua điện thoại, hòa giải thành công 16 cuộc xung đột xảy ra tại địa bàn, lập kế hoạch và danh sách đề xuất hỗ trợ cho 260 trường hợp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.
Cùng đó, Dự án thí điểm thành lập 2 câu lạc bộ Gia đình chung sức với sự tham gia của 30 thành viên, là các gia đình có xảy ra tình trạng bạo lực tại xã Minh An nhằm cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực phụ nữ, trẻ em gái, luật pháp để nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền của họ, giúp họ tăng sự tự tin và giúp nam giới nhận thức, biết cách chế ngự các tác nhân gây bạo lực.
Dự án cũng đã tổ chức 13 khóa tập huấn cho 80 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, thôn với các kiến thức hiểu biết về bạo lực giới, hỗ trợ hiểu biết về sang chấn, kỹ năng truyền thông, kỹ năng điều hành sinh hoạt câu lạc bộ, kiến thức pháp luật về bạo lực giới...
Với mục tiêu người dân được tuyên truyền các kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Dự án đã tổ chức 8 cuộc truyền thông và cuộc thi về phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống dịch bệnh Covid 19, cuộc thi "Gia đình chung sức - vun đắp yêu thương" và cuộc thi Sáng kiến phòng chống xâm hại tình dục tại 2 xã Minh An, Bình Thuận, thu hút trên 1.000 người tham dự. Đồng thời, tổ chức cuộc thi "Sáng kiến truyền thông trong phòng chống xâm hại tình dục trẻ em" theo hình thức trực tuyến...
Đánh giá tại Hội nghị, qua hơn nửa thời gian thực hiện, Dự án bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới góp phần giảm thiểu số vụ, việc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; thúc đẩy được các quá trình hợp tác giữa các ngành trong việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới đã được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp, từng bước thoát khỏi bạo lực và xây dựng gia đình phát triển...
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp với Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động, trong đó tiếp tục tập trung sáng kiến hỗ trợ địa phương tổ chức các hoạt động tăng cường truyền thông phòng chống bạo lực giới, hỗ trợ người bị bạo lực nhanh và kịp thời theo đúng quy định của pháp luật…
Dự án sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2022.
Thu Hạnh