Bởi vậy, tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và nâng cao chất lượng môi trường sống thông qua các chỉ số về môi trường chính là một yếu tố cấu thành kết quả chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.
Những năm qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí được tỉnh bố trí cho công tác này là 401,8 tỷ đồng. Đến nay, chất lượng môi trường không khí, đất, nước trên địa bàn tỉnh được đánh giá khá trong lành, không có điểm nóng về môi trường.
Năm 2020, tỉnh cũng đã ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 - đây là đề án quan trọng giúp công tác quản lý CTRSH ngày càng được quan tâm đầu tư. CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 347 tấn/ngày, được xử lý tập trung là 152,8 tấn/ngày.
Hiện, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Văn Phú, thành phố Yên Bái của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành sử dụng công nghệ tái sử dụng sản xuất phân vi sinh hữu cơ kết hợp đốt và tái chế hạt nhựa là cơ sở xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu về BVMT với tỷ lệ xử lý đạt 23% CTRSH phát sinh.
Tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các xã, thị trấn trung tâm các huyện cơ bản đã có đơn vị dịch vụ môi trường tổ chức thu gom, vận chuyển CTRSH để xử lý tập trung. Tỷ lệ thu gom CTRSH ở khu vực đô thị hiện nay đạt khoảng 82%.
Đối với CTRSH nông thôn, đã hình thành được 1 hợp tác xã, 99 tổ tự quản và một số đơn vị dịch vụ về môi trường của các đô thị tham gia vào hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải ra nơi xử lý. Chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT đạt 78,3%.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ, quan tâm của tỉnh, đến nay, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 86%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 72,5%.
Đánh giá thực trạng công tác BVMT và chất lượng môi trường sống, Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và cũng còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Chất lượng môi trường sống được đánh giá trên các vấn đề: kiểm soát nguồn ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường; cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.
Rõ ràng, muốn nâng cao chất lượng môi trường sống cần nhiều yếu tố, trong đó cần đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xử lý các loại chất thải như: nước thải, CTRSH, khí thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp…
Để cụ thể hóa điều đó, mới đây, tỉnh đã ban hành Đề án Tăng cường bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 với 20 mục tiêu cụ thể.
Đề án tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT; xây dựng ban hành cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình về BVMT; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cho công tác BVMT; tăng cường bảo vệ và kiểm soát môi trường; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BVMT…; đồng thời triển khai 13 chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2025 để hoàn thành mục tiêu đề ra với tổng kinh phí trên 1.441 tỷ đồng.
Quan điểm BVMT của tỉnh là dựa trên phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính, kết hợp kiểm soát khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy BVMT sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Với quan điểm ấy, nhân dân hoàn toàn có cơ sở tin tưởng, hài lòng với chất lượng môi trường sống trong thời gian tới, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng chỉ số hạnh phúc lên 15% mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Hoài Anh