Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sinh non là một cuộc chuyển dạ xảy từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng.
Những đứa trẻ này phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, sẽ gặp khó khăn về nuôi dưỡng do cơ thể nhỏ, thiếu năng lượng, dạ dày nhỏ và không đủ sức để bú, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên trẻ dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, chế độ chăm sóc và chế độ nuôi dưỡng cần cẩn thận và tỉ mỉ hơn so với trẻ sơ sinh bình thường.
Sinh non có tỷ lệ từ 5% đến 15% trong tổng số các ca sinh đẻ. Sinh non rất nguy hiểm cho trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong chu sinh càng cao khi tuổi thai càng non, đặc biệt, trẻ sinh non có nguy cơ cao về di chứng thần kinh. Trước 32 tuần tỷ lệ di chứng là 1/3, từ 32 - 35 tuần tỷ lệ di chứng thần kinh là 1/5, từ 35 đến 37 tuần tỷ lệ di chứng là 1/10. Chăm sóc một trường hợp sinh non rất tốn kém.
Ngoài ra, khi lớn lên trẻ còn có những di chứng về mắt gây mù lòa, di chứng về thính giác, vận động, tâm thần kinh, là gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. Bên cạnh đó, bà mẹ bị sinh non thì cũng dễ biến chứng sót rau, nhiễm khuẩn hậu sản.
Do đó, sinh non là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra cho các thầy thuốc và xã hội. Ngày 17 tháng 11 được chọn là Ngày Thế giới vì trẻ sinh non. Đây là ngày hướng tới nâng cao nhận thức về những khó khăn của việc sinh non và nhấn mạnh về những rủi ro cũng như hậu quả mà trẻ sinh non và gia đình các em trên toàn thế giới phải đối mặt. Mặc dù đã đạt được những cải thiện đáng kể ở cấp quốc gia song sự khác biệt trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong trẻ dưới một tuổi và dưới năm tuổi giữa các khu vực khác nhau và các nhóm kinh tế - xã hội khác nhau vẫn là những quan ngại rất lớn.
Yên Bái là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc có số dân khoảng 821.000 người. Người dân tộc thiểu số chiếm 57,29% dân số toàn tỉnh. Trong 3 năm qua từ năm 2019 đến 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 331 ca sinh non; trong đó, tại 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn có 180 ca. Tục lệ sinh con tại nhà vẫn đang phổ biến ở đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Tại đây, tỉ lệ sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ của người đỡ đẻ có kĩ năng chiếm tới 50%. Tỉ lệ phụ nữ Mông được khám thai chiếm tỉ lệ thấp hơn nhiều. Đây chính là một phần nguyên nhân dẫn đến nhiều chị em còn thiếu kiến thức về SKSS, dẫn đến sinh non, sinh con thiếu tháng. Đặc biệt nữa là khi trẻ bị sinh non, các bà mẹ không có kiến thức để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Cháu Sùng A.N (7 ngày tuổi) chẩn đoán sơ sinh non tháng thấp cân, vàng da tăng bilirubin tự do tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải
Từ thực tế này, hàng năm, ngành y tế tỉnh đều chú trọng chỉ đạo lồng ghép với các chương trình y tế với chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), chương trình chăm sóc bà mẹ và trẻ em nhằm để phổ biến các kiến thức về SKSS, kiến thức nuôi con theo khoa học cho phụ nữ mang thai. Chú trọng đưa các dịch vụ y tế về cơ sở để người dân được tiếp cận góp phần nâng cao chất lượng CSSK cho nhân dân, đặc biệt là SKSS cho chị em phụ nữ.
Dự án "Chăm sóc sức khỏe trẻ em tại địa bàn khó khăn” tại tỉnh Yên Bái, Việt Nam do Tập đoàn Glaxo SmithKline (GSK) tài trợ thông qua Tổ chức Cứu trợ Trẻ em được thực hiện từ tháng 11/2016 nhằm tăng cường sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại các trạm y tế (TYT) xã, trung tâm y tế (TTYT) huyện của ba huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và Mù Cang Chải, Bệnh viện Đa khoa khu vực (BVĐKKV) Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, Việt Nam.
Dự án tập trung đào tạo cho cán bộ y tế các tuyến bao gồm cả nhân viên y tế thôn bản, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hành chăm sóc sức khỏe (CSSK) bà mẹ và trẻ sơ sinh (BMTSS) và cải thiện chất lượng các đơn nguyên sơ sinh (ĐNSS). Các can thiệp của Dự án phù hợp với kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ của Bộ Y tế giai đoạn 2021-2025.
Từ hiệu quả của Dự án, Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã thể chế hóa và nhân rộng ra toàn tỉnh các can thiệp phù hợp và thiết thực về chăm sóc sức khỏe BMTSS cho các cơ sở y tế tuyến huyện. Các trung tâm y tế huyện sẽ là cơ sở y tế nòng cốt ở những địa phương nghèo nhất, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình can thiệp sẽ bao gồm: đơn nguyên sơ sinh với đội ngũ cán bộ chăm sóc trẻ sơ sinh được đào tạo về chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu sớm, chăm sóc Kangaroo cho trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân; phối hợp giữa nhi khoa và sản khoa trong chăm sóc tích cực sơ sinh bệnh lý; cung cấp thiết bị cơ bản nhằm phục vụ cho việc đỡ đẻ và hồi sức sơ sinh; năng lực của nữ hộ sinh tại các trung tâm y tế được cải thiện thông qua các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực tại các bệnh viện; mở rộng mức độ của các can thiệp do nữ hộ sinh đảm nhận tại cộng đồng; tăng cường giám sát hỗ trợ ở tất cả các tuyến, nâng cao kinh nghiệm chăm sóc và duy trì các mô hình truyền thông thay đổi hành vi hiệu quả.
Với chủ đề năm 2021 là "Không chia cách. Hãy hành động ngay! Hãy để cha mẹ được chăm sóc trẻ sinh non ngay từ lúc chào đời”, Ngày Thế giới vì trẻ sinh non năm nay là một cơ hội hành động để cha mẹ được tiếp xúc và chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện trong mọi điều kiện, không kể thời gian và địa điểm.
Việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi sẽ từng bước nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân, từ đó cải thiện các thực hành chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh cho các đối tượng yếu thế hướng đến trong cộng đồng, cải thiện thái độ và hành vi của nhân viên y tế đối với người dân tộc thiểu số.
Linh Chi (Trung tâm KSBT tỉnh)