Bạn Bùi Thu Hồng ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên hỏi: Tôi muốn đăng ký tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình cho bố mẹ và các em, nhưng lại chưa biết thủ tục tham gia như thế nào. Vậy, đề nghị cho biết nơi đăng ký và thủ tục đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình?
Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời: Theo quy định, hiện nay, ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc đều có hệ thống đại lý thu - do cơ quan BHXH ký hợp đồng. Tùy từng địa bàn sẽ có những đại lý thu như: đại lý thu UBND xã, đại lý thu Hội Phụ nữ, hệ thống đại lý thu bưu điện...
Do đó, bạn có thể đến những đại lý thu này để nhận được tư vấn về việc tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện. Đồng thời bạn có thể đăng ký tham gia ngay cho người thân với đại lý đó.
Còn về thủ tục tham gia BHYT hộ gia đình, theo quy định, đối với trường hợp tham gia lần đầu, bạn cần điền đầy đủ, chính xác thông tin vào Mục I và Phụ lục thành viên hộ gia đình của Tờ khai tham gia BHYT (Mẫu TK1-TS) do đại lý thu BHXH, BHYT cung cấp, kèm theo bản chụp hoặc bản sao chứng minh nhân dân/ căn cước công dân và nộp tiền cho đại lý thu.
Đối với trường hợp tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình, bạn chỉ cần đóng tiền cho đại lý thu vào thời gian trước khi hết hạn thẻ. Sau 3 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được hồ sơ hợp lệ và tiền đóng của đại lý thu chuyển đến, thì bạn sẽ được nhận thẻ BHYT do cơ quan BHXH chuyển về thông qua đại lý thu.
Bạn Vũ Đình Nam ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ hỏi: Khi nộp tiền tham gia BHYT, thì thời hạn sử dụng thẻ BHYT với đối tượng hộ gia đình như thế nào?
Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời: Căn cứ theo quy định tại Điều 16, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014: người tham gia BHYT hộ gia đình lần đầu và người tham gia BHYT hộ gia đình không liên tục từ 3 tháng trở lên, thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng tiền tham gia BHYT. Người tham gia BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi, thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước. Người tham gia BHYT cần lưu ý: nếu đóng tiền tham gia trước khi thẻ hết hạn, thì hạn thẻ được tính nối tiếp; còn nếu đóng tiền sau ngày thẻ hết hạn trong thời gian 3 tháng, thì giá trị thẻ được tính từ ngày đóng tiền.
Bạn Lê Hồng Nhung ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái hỏi: Quyền lợi của thẻ BHYT hộ gia đình khi đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT đúng tuyến được quy định như thế nào?
Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời: Khi đi KCB BHYT đúng tuyến được hưởng 100% chi phí KCB, với các trường hợp như: KCB tại tuyến xã hoặc tương đương. Tổng chi phí của một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở ở mọi tuyến điều trị (tương đương 223.500 đồng).
Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục, tính từ thời điểm người đó có tham gia BHYT đến thời điểm đi KCB và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục (trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến và KCB tự chọn). Người bệnh được hưởng 80% chi phí khi KCB thông thường, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB.
Người bệnh được hưởng 80% chi phí vật tư y tế, nhưng tối đa không vượt quá 45 tháng lương cơ sở cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật (cao, chi phí lớn) - hiện tại là mức 67.050.000 đồng. Người bệnh điều trị ung thư, chống thải ghép sử dụng thuốc ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế, được phép lưu hành tại Việt Nam và theo chỉ định của cơ sở KCB, thì được thanh toán 50% chi phí của thuốc đó, các chi phí khác được thanh toán theo quy định trên.
H.D