Cuối năm 2019, nghe tin có một loại dịch bệnh do chủng virut mới (nCovi) gây ra tôi đã nghĩ "các đồng nghiệp vất vả rồi” nhưng không nghĩ dịch bệnh lại kéo dài đến thế, nguy hiểm đến thế, nhân loại lại phải trả giá đắt đến thế. Tôi vẫn luôn tự hào về hệ thống y tế nước nhà đặc biệt là hệ thống y tế dự phòng.
May mắn cho tôi khi còn công tác được đi dự một vài hội nghị quốc tế, lần nào nói về công tác phòng chống dịch bệnh cũng đều nhắc đến Việt Nam, đó là một nước đang phát triển, còn nghèo, nguồn lực cho y tế còn hết sức hạn chế, thiếu về trang thiết bị thiếu về người làm công tác phòng chống dịch, thế nhưng kết quả phòng chống dịch bệnh lại hết sức ấn tượng, thanh toán bệnh bại liệt trên quy mô toàn quốc, các bệnh truyền nhiễm gây dịch được khống chế đến mức không còn là mối quan ngại cho sức khỏe cộng đồng.
Nghèo mà vượt lên trên, đi trước một số nước có điều kiện kinh tế hơn mình trong phòng chống dịch bệnh chẳng phải là điều đáng tự hào lắm sao. Vì thế lúc đó tôi có niền tin là nhất định chúng ta sẽ khống chế thành công dịch bệnh mới này trong thời gian ngắn.
Nhưng rồi dịch bệnh nhanh chóng lan ra toàn thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đây là đại dịch và đặt tên là Covid-19, các nước tiên tiến giầu có hàng đầu thế giới lâm vào khủng hoảng vì dịch bệnh, số người mắc/chết tăng lên hàng ngày, hình ảnh tang thương vì dịch bệnh bao chùm thế giới. Tôi không lý giải nổi vì sao lại thế.
Rồi dịch bệnh ngày một nghiêm trọng hơn, toàn bộ các kênh thông tin chỉ nói đến mỗi một việc là dịch bệnh.
Hình ảnh người mặc bảo hộ chống dịch tràn đầy khắp nơi, hình ảnh người đẫm mồ hôi, lả đi vì dịch bệnh, những vết hằn khẩu trang trên khuôn mặt bác sĩ, những em bé mặc đồ bảo hộ đi cách ly, rồi đồng nghiệp nhiễm bệnh là nỗi ám ảnh có thể tôi sẽ mang theo mình sang thế giới bên kia.
Rồi hôm nay toàn bộ thành phố nơi tôi đang sống trở thành "vùng đỏ” ... Vẫn biết dịch bệnh luôn vô cùng khắc nghiệt nhưng kéo dài đến ba năm. Ba năm các đồng nghiệp của tôi không thể tổ chức gặp mặt nhân ngày truyền thống của ngành 27/2 thì thật là ... không thể tưởng tượng nổi. Thương các đồng nghiệp, họ quên bản thân mình không phải đơn thuần chỉ vì họ đã quen với nhiệm vụ trước nay vẫn thế, sự hy sinh của họ còn vì trong họ vốn có lòng nhân ái, trong họ luôn có "mệnh lệnh của trái tim”.
Ôi những "những thầy thuốc như mẹ hiền” của tôi lại một năm nữa ngày truyền thống của ngành, chúng ta lại không được gặp nhau, không được hỏi thăm cuộc sống thường nhật của nhau.
Vẫn biết chúng ta luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm bởi vì nếu không quan tâm thì chúng ta đâu có được như ngày nay, những thành tựu y tế mà cả thế giới ca ngợi đâu có được.
Không hiểu sao mặc dù dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, toàn bộ thành phố tôi đang sống trở thành "vùng đỏ” nhưng tôi vẫn có niềm tin sắt đá là chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh. Có phải vì sau 3 năm chiến đấu chúng ta đã có đầy đủ hiểu biết và vũ khí để chống lại dịch bệnh này? Có phải vì Đảng và Nhà nước đang đầu tư rất lớn cho y tế làm thay đổi căn bản nguồn lực phòng chống dịch và cả những hiểu biết của cộng đồng về phòng chống dịch? Toàn dân chống dịch mà, một khi Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, đội ngũ chuyên môn xả thân, người dân đồng lòng thì dịch bệnh chắc chắn sẽ bị đánh bại.
Năm nay các chiến binh lại tạm lỗi hẹn với ngày truyền thống nhưng chắc chắn 27/2 sang năm sẽ tưng bừng chào đón chúng ta.
Trần Viết Thắng
(nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái)