Năm 2019, thực hiện mô hình điểm phân loại, thu gom, xử lý CTR sinh hoạt của tỉnh, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên được hỗ trợ 42 thùng chứa rác tập trung, 1.640 thùng phân loại rác cho các hộ gia đình và 2 xe kéo để vận chuyển rác cùng các trang thiết bị cần thiết cho việc thu gom.
Người dân được hướng dẫn thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Mỗi thôn cũng đã xây dựng các tổ tự quản chịu trách nhiệm thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt tại khu vực thu gom tập trung của các thôn rồi vận chuyển ra trục đường chính để đưa tới nơi xử lý.
Đến nay, việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải đã trở thành một chu trình khép kín được người dân Việt Thành nghiêm túc thực hiện, góp phần làm nên diện mạo mới đưa xã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Từ thành công của mô hình điểm, các mô hình xã hội hóa thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt ngày càng được nhân rộng.
Nếu như năm 2019, toàn tỉnh có 33 HTX, tổ tự quan tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn thì đến nay, con số này đã tăng lên trên 100. Đây là các đơn vị do UBND các xã thành lập và hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Người dân tự nguyện đóng góp tiền để chi trả cho hoạt động thu gom; tần suất thu gom phụ thuộc vào lượng CTR sinh hoạt của từng địa phương (trung bình 2 - 3 ngày/ lần); sau khi thu gom sẽ đưa về các bãi chôn lấp hoặc đưa ra các điểm tập kết của xã để các đơn vị dịch vụ môi trường dùng xe chuyên dụng đưa đi xử lý.
Ông Hoàng Văn An - Tổ trưởng Tổ tự quản môi trường thôn Bản Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên cho biết: Tổ chúng tôi có 12 thành viên phân công 2 người/ ca để thu gom, vận chuyển rác thải trong thôn. Hiện tại, chúng tôi được UBND xã hỗ trợ 300.000 đồng/ tháng để tổ chức hoạt động này. Khi đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi dự kiến sẽ tiến hành thu của người dân 10.000 đồng/ hộ/ tháng.
Ngoài hoạt động thu gom, vận chuyển, chúng tôi còn tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ thì xử lý ủ thành phân bón, định kỳ tham gia 1 tháng/1 lần tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm...
Thực tế cho thấy, các mô hình này tuy không hoạt động chuyên nghiệp như các đơn vị dịch vụ về môi trường ở khu vực đô thị nhưng đã có đóng góp lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là hạn chế việc xả rác bừa bãi, xây dựng thói quen tự giác bảo vệ môi trường, thể hiện bằng những hành động đã đi vào nền nếp, thói quen như: phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh thải; định kỳ vệ sinh đường làng, ngõ xóm; trồng hoa, cây xanh…
Tuy nhiên, với lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 204 tấn/ngày, chiếm 59% tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh thì tỷ lệ thu gom, xử lý tập trung mới được khoảng 20%.
Mạng lưới thu gom bước đầu được hình thành ở khu vực nông thôn nhưng vẫn còn rất mỏng và thiếu, mới chỉ tổ chức thu gom tại các điểm dân cư tập trung và gần khu vực trung tâm xã. Bởi vậy, để mở rộng phạm vi, địa bàn các khu dân cư được thu gom, vận chuyển, xử lý, cần khuyến khích, nhân rộng, tăng cường thành lập các HTX, tổ tự quản thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa như hiện nay.
Đây cũng là một giải pháp trọng tâm để tỉnh Yên Bái đạt được mục tiêu đến năm 2025, 80% lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trong đó có trên 50% lượng CTR sinh hoạt phát sinh được thu gom, xử lý tập trung.
Hoài Anh