Thực tế, cộng đồng mạng xã hội đã "dậy sóng” từ hơn 1 năm qua. Chính xác là từ tháng 3/2021 cho đến trước khi bị bắt tạm giam, bà Hằng đã sử dụng nhiều tài khoản Youtube, Facebook, Tiktok, phát ngôn trực tiếp qua mạng internet, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân, gây bất bình dư luận.
Hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng vừa xâm phạm danh dự, uy tín của các công dân, vừa ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa dân tộc, gây bất bình trong dư luận.
Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã từng xử phạt hành chính đối với bà Hằng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận. Từ giữa tháng 15/2 đến 24/3/2022, cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã mời làm việc 4 lần đối với Nguyễn Phương Hằng để cảnh báo, nhắc nhở, khuyến cáo, răn đe và yêu cầu chấm dứt việc làm này.
Tuy nhiên, bà Hằng cố ý né tránh, không hợp tác, coi thường pháp luật; nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh, trật tự tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác, gây phức tạp về an ninh trật tự, bức xúc dư luận địa phương.
Nguy hại hơn, ngay sau cơ quan chức năng khi khởi tố bị can và thực hiện tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, các tổ chức, hội nhóm phản động đã đưa ra nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, sai trái nhằm chống phá, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền, tiến tới quy kết, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Các thế lực thù địch, phản động còn tán dương các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, gây tổn hại đến truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Báo chí đưa tin, cao điểm là đêm 25/5/2021, chia sẻ trên các kênh livestream của bà Hằng thu hút gần đến con số nửa triệu lượt xem. Không biết vì sức ảnh hưởng của bà Hằng, hay hiếu kỳ về những câu chuyện bịa đặt kiểu như "làm rõ sự thật” được phát ngôn trực tiếp qua mạng internet đã thu hút số người xem đến như vậy. Đáng quan tâm nữa là trong các buổi livestream của bà Hằng từ tháng 3 năm ngoái tới nay có nhiều người cùng tham dự, đồng thời bày tỏ sự quan tâm hay chia sẻ về thông tin chưa được kiểm chứng.
Trở lại với môi trường mạng xã hội ở Yên Bái, hẳn nhiều còn nhớ một công dân ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Người này có hành vi gây rối, cản trở, chống người thi hành công vụ. Cụ thể là đã dùng những lời lẽ thách thức, xúc phạm, dùng điện thoại quay, phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và dùng vũ lực chống lực lượng cảnh sát cơ động Công an tỉnh khi lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Trước đó, công dân này đã quay video phát trực tiếp lên mạng xã hội, phát ngôn sai sự thật... tại trụ sở cơ quan công an và trong quá trình lực lượng công an thực thi nhiệm vụ. Điều quan trọng là tài khoản của nhân vật này khá đông người theo dõi, like và có bình luận theo hướng hô hào, ủng hộ. Rốt cuộc, đối tượng đã phải hầu tòa với mức án 2 năm tù giam.
Một trường hợp khác ở xã Việt Cường, huyện Trấn Yên năm 2019, bị xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên trang cá nhân về việc xảy ra bắt cóc trẻ em.
Rồi 2 trường hợp (1 ở xã Y Can - Trấn Yên, 1 ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái) đã "ly kỳ” kể trên mạng xã hội vào tháng 5/2021 về Hoàng Thị Th. - trường hợp người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 trốn khỏi khu cách ly, có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người.
Thông tin này lan truyền nhanh chóng với nhiều bình luận chỉ trích, công kích, lên án, thậm chí soi mói, thêm thắt đời tư và câu chuyện về Hoàng Thị Th. tạo yếu tố giật gân, để câu like.
Thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những người dùng mạng xã hội lợi dụng, đưa các thông tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng về tình hình dịch bệnh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Đã có hàng chục trường hợp không phù hợp trên không gian mạng, xử lý vi phạm hành chính lên tới hàng trăm triệu đồng. Với những biện pháp mang tính răn đe, môi trường không gian mạng đang dần trở nên văn hóa, lành mạnh hơn. Tuy nhiên, qua theo dõi, vẫn có tài khoản facebook chia sẻ một số bài viết thiếu kiểm chứng, hoặc đăng tải bài viết mang thông tin nhạy cảm, ám chỉ, châm biếm những vấn đề chính trị, xã hội trong nước, trong tỉnh mà dư luận quan tâm.
Phải nhắc lại rằng, Điều 8 Luật An ninh mạng quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Trong đó, nhóm hành vi "Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các hoạt động chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng. Thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội”.
Nhóm hành vi nữa là, nghiêm cấm "Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi”.
Nguyễn Phương Hằng sẽ phải đứng trước vành móng ngựa với các tội danh. Nhưng rõ ràng việc lợi dụng mạng xã hội của bà này để đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm người khác, gây bất bình dư luận… một lần nữa là hồi chuông nhắc nhở tất cả mọi người cẩn trọng hơn nữa, để việc ứng xử với mạng xã hội ngày thêm lành mạnh, văn minh.
Minh Quang