Với mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội, Đề án hướng tới mục tiêu giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên địa bàn tỉnh, thực hiện Đề án giai đoạn I (2017 - 2021), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện và ban hành các kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, như: nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, giáo dục vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ; xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Hoàng Phương Thúy cho biết: "Việc triển khai Đề án được gắn với triển khai thực hiện Phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 2 cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và "Rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp.
Qua đó, đã tuyên truyền sâu rộng đến hội viên phụ nữ kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực giới, hạn chế tình trạng phạm tội, tệ nạn xã hội; thực hiện đầy đủ hơn quyền trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.
Trong giai đoạn 2017 - 2021, đã có 5/6 mục tiêu của Đề án đều đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Theo đó, đã có trên 375 nghìn hội viên, phụ nữ, cha mẹ, người nuôi dưỡng con, cháu dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới. 90% cán bộ chuyên trách các cơ quan phối hợp tham gia triển khai thực hiện Đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội.
Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ được 900 phụ nữ thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm được lựa chọn tác động có chuyển biến tích cực về hành vi.
Cùng đó, 80 nghìn phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực.
Hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời. Mỗi, xã, phường, thị trấn cũng đã xây dựng được ít nhất 1 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội ưu tiên có thể nhân rộng.
Năm 2022, Đề án tiếp tục được các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện theo Kế hoạch mà Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành ngay từ đầu năm. Các cấp Hội sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chuẩn mực đạo đức phụ nữ Yên Bái, giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ, an toàn cho phụ nữ và trẻ em…; các hoạt động truyền thông các vấn đề xã hội như: xây dựng gia đình hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mua bán người…; duy trì chất lượng các mô hình về an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại cơ sở; thành lập mới 200 mô hình tổ tự quản của phụ nữ tại cộng đồng…
Qua đó, nhằm hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi nhận thức và hành vi, phát huy tính chủ động, tạo chuyển biến rõ nét trong giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan.
Thu Hạnh