Yên Bái hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2022 | 7:52:27 AM

YênBái - Nhiều năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ trẻ em (BVTE) dựa vào cộng đồng hiệu quả và ý nghĩa, trong đó phải kể đến thành lập, duy trì hoạt động các câu lạc bộ (CLB) trẻ em. Bằng nhiều hình thức sinh hoạt bổ ích, CLB trẻ em đã phát huy và mang lại hiệu quả tích cực.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2022.
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2022.

CHUNG TAY PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI VÀ BẠO LỰC TRẺ EM

Những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành trong tỉnh đã rất quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, song tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra để lại hậu quả hết sức nặng nề. 

Từ năm 2020 đến nay, số vụ trẻ em bị xâm hại, bạo lực được tố giác, phát hiện và xử lý trên địa bàn tỉnh có gần 70 vụ. Trẻ bị xâm hại, bạo lực dưới các hình thức: xâm hại tình dục, bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bị bỏ rơi... Độ tuổi trẻ bị xâm hại, bạo lực chủ yếu từ 1-16 tuổi, với các phương thức, thủ đoạn như: lợi dụng mối quan hệ thân quen hoặc sự thiếu hiểu biết của trẻ; dùng hành vi ép buộc, dọa dẫm để xâm hại; bạo lực hoặc dụ dỗ; tặng quà, tạo dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ sau đó tiến hành xâm hại. 

Với tính chất, mức độ của hành vi xâm hại, bạo lực để lại hậu quả xấu cho bản thân trẻ em, dẫn đến suy giảm về sức khỏe, lo âu và rối loạn tâm thần sa sút trong việc học hành; nhiều trẻ có suy nghĩ tiêu cực, có hành vi lệch chuẩn, bên cạnh đó ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. 

Địa bàn xảy ra hành vi xâm hại phần nhiều tại các xã vùng sâu, vùng xa, những gia đình ít quan tâm đến con em... Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc là do nhận thức pháp luật của một số người dân còn hạn chế, môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh hành vi; việc tố giác, lên tiếng về các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ thường chậm nên công tác điều tra, thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em ở một số địa phương chưa thực sự được coi trọng; hiểu biết về pháp luật và kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em còn thấp. Ảnh hưởng của một số thông tin xấu, độc trên mạng Internet cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xâm hại, bạo lực đối với trẻ. 

Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em nói riêng; chỉ đạo lồng ghép các mục tiêu về trẻ em vào các nghị quyết của HĐND và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tích cực tổ chức tập huấn, diễn đàn, tuyên truyền pháp luật liên quan đến các vấn đề của trẻ em; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dạy các kỹ năng giúp các em có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong những tình huống khi bị xâm hại, bạo lực...

Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 có chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Theo kế hoạch của tỉnh, thời gian phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 cấp tỉnh, huyện và xã được thực hiện từ ngày 27/5 - 30/6. 

Theo đó, Tháng hành động hướng các hoạt động trọng tâm vào tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em, pháp luật về thực hiện các quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, các chính sách, chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; kiến thức phòng, chống xâm hại, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống tảo hôn, phòng, chống tình trạng trẻ em bỏ học, bảo vệ trẻ em, thông tin, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, Tổng đài bảo vệ trẻ em của Yên Bái 18001776; truyền thông tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội, các tài liệu, sản phẩm truyền thông về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
 
Tỉnh Yên Bái hiện có 253.410 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 30% dân số, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi là 100.588 trẻ, chiếm 12,8% dân số. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.932 trẻ, trong đó trẻ em khuyết tật là 3.812 trẻ, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa là 1.967 trẻ, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS là 65 trẻ. Ngoài ra, có 6.183 trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo, cận nghèo và trên 60.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. 

NHÂN RỘNG HIỆU QUẢ CÂU LẠC BỘ TRẺ EM

Năm 2016, CLB trẻ em thôn Tông Mộ, xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên được thành lập do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ về kinh phí cũng như tài liệu, đồ dùng. CLB hoạt động với mục đích trang bị cho trẻ em thôn Tông Mộ những kiến thức và kỹ năng để giải quyết các vấn đề theo hướng tích cực.

Đều đặn, CLB trẻ em thôn sinh hoạt một lần vào Chủ nhật của tuần thứ ba hàng tháng tại nhà văn hóa. Đối tượng là trẻ em 10-18 tuổi, khuyến khích trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia. 

Khi mới thành lập, CLB chỉ có vài em hưởng ứng, sau này, thấy được những mặt tích cực của CLB nên số lượng các bạn đăng ký tham gia lên đến hơn 40 thành viên, được chia thành 4 nhóm nhỏ, mỗi nhóm có 1 đến 2 bạn làm nòng cốt. 

Hàng tháng, CLB tập trung sinh hoạt dưới hình thức sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, xem clip truyền thông về phòng, chống mua bán người; phòng, chống các loại hình tai nạn thương tích như: tai nạn giao thông, bỏng, đuối nước, điện giật, động vật cắn, ngộ độc, máy móc; tìm hiểu về giới và bình đẳng giới… và các kỹ năng sống của trẻ. 


Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là thành viên CLB Trẻ em trên địa bàn huyện Lục Yên.  

Em Triệu Thị Hương, sinh năm 2009, thành viên CLB trẻ em thôn Tông Mộ, xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên chia sẻ: "Vào CLB trẻ em của thôn, em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích. Gia đình khó khăn, đông con nên bố mẹ ít có thời gian chỉ dạy, nhất là học các kỹ năng sống cần thiết. Qua các buổi sinh hoạt CLB, giúp em tự tin hơn, biết cách tự bảo vệ mình và có môi trường sống tốt hơn”. 

CLB trẻ em nằm trong Dự án BVTE với mục tiêu BVTE khỏi xâm hại, bóc lột và tai nạn thương tích thuộc Chương trình Phát triển vùng do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ được triển khai tại 10 xã, thuộc 2 huyện Lục Yên và Văn Chấn với mục tiêu cải thiện an sinh trẻ em, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương.

Các CLB trẻ em thu hút trên 1.500 trẻ tham gia, mỗi CLB trẻ em có khoảng 40 thành viên tham gia sinh hoạt; nội dung sinh hoạt hàng tháng tập trung vào chuyên đề: kỹ năng sống, phòng, chống xâm hại, bạo lực, phòng tránh tai nạn thương tích..., giúp cho trẻ trong cộng đồng được trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy cơ về xâm hại, bạo lực và tai nạn thương tích. 

Theo đó, trẻ nhận biết được nguyên nhân, hậu quả của vấn đề mà trẻ quan tâm tại cộng đồng; trẻ được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo, tổ chức, đoàn thể tại địa phương, đưa ra những đề xuất, khuyến nghị, đề nghị sự tham gia của chính quyền vào việc giải quyết vấn đề, từ đó thể hiện tiếng nói của trẻ vào công tác BVTE tại cộng đồng. 

Tham gia các CLB này, trẻ em còn được học tập, vui chơi, ca hát, phát biểu ý kiến, thảo luận, diễn kịch, vẽ tranh, được rèn luyện các kỹ năng sống, phát triển trí tuệ và đặc biệt là được sinh hoạt trong một sân chơi lành mạnh để thể hiện những khả năng của mình, đồng thời được trang bị kiến thức về quyền trẻ em, các nguy cơ tiềm ẩn khiến trẻ em lao động sớm… 

Một trong những chuyển biến từ hiệu quả mô hình hoạt động này là nhiều em đã mạnh dạn trao đổi với cha mẹ, người thân về quyền, bổn phận của mình, những ước mơ về nghề nghiệp, về tương lai của các em sau này. CLB  trẻ em đã có tác động trực tiếp đến nhận thức của các em và gián tiếp tác động tới gia đình và cộng đồng nơi các em sinh sống. 

Hoạt động của các CLB trẻ em đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân của trẻ em được tốt hơn. 

Đây cũng là một trong những mục tiêu của các cấp quản lý về công tác BVTE để phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em bị xâm hại, bạo lực hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Mô hình cần được nhân rộng, những mong mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

HƯỚNG ĐẾN NHỮNG ĐIỀU BỔ ÍCH VÀ THIẾT THỰC

Đánh dấu việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng Hành động vì trẻ em năm nay, huyện Văn Yên chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, giao lưu cho trẻ em với các hoạt động phù hợp và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Mở màn cho chuỗi hoạt động này, từ ngày 28 - 29/5/2022, tại Sân vận động trung tâm huyện Văn Yên, Chương trình kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 với chủ đề "Lan tỏa hạnh phúc, hướng tới tương lai” được UBND thị trấn Mậu A tổ chức. 

Với quy mô lớn, huy động kinh phí xã hội hóa lên đến 250 triệu đồng, trẻ em trên địa bàn đã có ngày cuối tuần vui vẻ bên gia đình, bạn bè với các hoạt động bổ ích, lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi của 2 nhóm đối tượng. 


Trẻ em thị trấn Mậu A tham gia các hoạt động trong Chương trình kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. 

Ông Trần Xuân Phùng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mậu A cho biết: "Chương trình được tổ chức không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo của chính quyền với trẻ em mà thông qua Chương trình, những thông điệp ý nghĩa về hạnh phúc, trong đó xây dựng gia đình hạnh phúc với trẻ em là hạt nhân cũng được lồng ghép truyền tải đến cộng đồng. Đây cũng chính là hoạt động nhằm cụ thể hoá việc triển khai mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân với trọng tâm là nâng cao sự hài lòng của người dân với chính quyền, sự hài lòng của người dân với cuộc sống”. 

Với học sinh THCS, THPT, Chương trình đã tổ chức các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian: kéo co, bịt mắt bắt vịt, ném còn và giao lưu bóng đá với thông điệp: "Hạnh phúc là được làm điều con thích, học điều con muốn”; tổ chức các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ các em nhỏ, các hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình nghèo, nhằm lan tỏa thông điệp "Hạnh phúc là được sẻ chia”, hay "Hạnh phúc là được thể hiện đam mê” với việc tổ chức Lễ hội Âm nhạc dành cho giới trẻ do học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Chu Văn An và Trường THCS thị trấn Mậu A biểu diễn với 22 tiết mục ca múa nhạc và nhảy hiện đại. 

Với trẻ mầm non và tiểu học, Chương trình đã tổ chức chạy gia đình, các trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, ném bóng vào rổ, đuổi hình bắt chữ, chơi đường đua kỳ thú, trải nghiệm thu hoạch nông sản, giao hữu bóng đá, văn nghệ ca múa... 

Cùng với thị trấn Mậu A, các địa phương trên địa bàn huyện Văn Yên cũng đồng loạt tổ chức các hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho trẻ em kết hợp với các hoạt động bàn giao học sinh về sinh hoạt hè, các hoạt động vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống, phát động phong trào bơi lội để phòng, chống đuối nước cho trẻ em. 

Ông Cao Văn Chỉ - Trưởng Phòng Lao động  - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: "Hưởng ứng Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tháng hành động vì trẻ em, Phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động để trẻ em có một mùa hè an toàn, khỏe mạnh. Cùng với các sự kiện vui Tết Thiếu nhi, huyện cũng sẽ chỉ đạo tổ chức các hoạt động: xây dựng, hỗ trợ dụng cụ vui chơi cho trẻ em tại các thôn đặc biệt khó khăn; xây dựng các công trình, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; thăm hỏi, tặng quà cho 180 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có tinh thần vượt khó, mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng; đồng thời bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương, tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao với hình thức phù hợp, giữ gìn bản sắc dân tộc…”.

Với mục tiêu "Dành những điều tốt nhất cho trẻ em", các hoạt động hưởng ứng đã được các địa phương trên địa bàn huyện triển khai với nhiều hình thức mới mẻ, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại nhiều thông tin, hoạt động hấp dẫn và hỗ trợ thiết thực cho trẻ em. Không chỉ dừng lại ở Tháng hành động vì trẻ em, việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em trên địa bàn được huyện Văn Yên xác định là công việc thường xuyên, liên tục, toàn diện và lâu dài. 

BẢO VỆ NHỮNG "MẦM NON"

Bước sang trạng thái "bình thường mới”, các hoạt động của toàn xã hội được kích hoạt trở lại. Tuy nhiên, trẻ em vẫn đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh cao do chưa được tiêm phòng vắc-xin. Trước thực tế đó, ngày 9/11/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 244 về triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi; ngày 2/4/2022, tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 76 về triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 117.285 trẻ từ 5 - 11 tuổi và 78.245 trẻ từ 12 - 17 tuổi, đảm bảo mục tiêu từ 90-95% trẻ em được tiêm đủ liều.


Ngành y tế tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái. 

Tiếp nối những thành công của Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người đủ 18 tuổi trở lên, chỉ sau 15 ngày tỉnh ban hành kế hoạch, những buổi tiêm đầu tiên cho trẻ em đã được triển khai với sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, đảm bảo các điều kiện cho một đợt tiêm chủng an toàn, hiệu quả. Trẻ đi học được tổ chức tiêm tại trường.

Những trẻ không đi học tiêm tại trạm y tế, trường học hoặc theo tổ dân phố, thôn, bản. Bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố triển khai tiêm cho trẻ có bệnh nền, trẻ thuộc diện cần thận trọng tiêm chủng và trẻ có tiền sử mắc Covid-19. 

Tính đến ngày 26/5, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm được cho 80.979 trẻ từ 12 - 17 tuổi (3.265 trẻ tiêm 1 mũi, 77.714 trẻ tiêm đủ 2 mũi) và 51.697 trẻ từ 5 - 11 tuổi, không xảy ra phản ứng nặng sau tiêm chủng. 

Chị Hoàng Thị Thoa ở tổ 5, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng kế hoạch tiêm chủng này, vì để có thể tiêm cho trẻ em chắc chắn tỉnh đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Bé nhà tôi chuẩn bị bước vào lớp 1 còn quá nhỏ để biết cách tự bảo vệ bản thân. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lúc này là rất kịp thời, đúng với nguyện vọng của phụ huynh chúng tôi. Tôi đang tìm hiểu kỹ về những phản ứng phụ sau tiêm cũng như chế độ dinh dưỡng, tâm lý cho bé để có sự chuẩn bị chu đáo nhất”.

Có thể khẳng định, với trẻ em, việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được tỉnh quan tâm đặc biệt ngay từ việc lưu ý lập danh sách riêng những trẻ đã mắc Covid-19, thời gian mắc để thực hiện tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; việc thông báo, hướng dẫn cha, mẹ/người giám hộ của trẻ đọc kỹ thông tin, ký phiếu tiêm chủng, khai báo tình trạng sức khỏe của trẻ; hay việc chỉ đạo, lập danh sách bao gồm cả trẻ vãng lai, lang thang cơ nhỡ không có hộ khẩu thường trú nhưng có mặt tại địa phương trong thời gian tiêm chủng, chỉ đạo quan tâm ổn định tâm lý của trẻ trước, trong và sau khi tiêm chủng… 

Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế. Để triển khai các chiến dịch đảm bảo an toàn, hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế tỉnh ban hành kế hoạch của ngành, trong đó tập trung vào các hoạt động: tập huấn trực tiếp cho tất cả cán bộ tham gia tiêm chủng về khám sàng lọc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ và theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu (hộp chống sốc, oxy…) tại các điểm tiêm chủng; thành lập các tổ cấp cứu thường trực, phân công cán bộ giám sát, hỗ trợ chuyên môn trong suốt quá trình tiêm chủng... 

Dựa vào lượng phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục tiêm cho trẻ ở độ tuổi từ 5 - 10 tuổi, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em trong quý II năm nay, trước khi bước vào năm học mới.

Giữa bộn bề lo toan, các cấp, các ngành và toàn xã hội luôn dành tình yêu, sự quan tâm đặc biệt đến trẻ, nhất là trong mùa dịch, việc kịp thời tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em đã đáp ứng nhu cầu, sự mong mỏi của các gia đình cũng như đảm bảo quyền được bảo vệ sinh mạng, quyền được chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

Nguyễn Thu - Thu Hiền -  Hoài Anh - Nguyễn Anh

Tags Yên Bái Tháng hành động vì trẻ em Quốc tế Thiếu nhi 1/6 mua bán người

Các tin khác
Đoàn viên thanh niên phường Đồng Tâm lao động vệ sinh môi trường trên tuyến đường Yên Ninh.

Phong trào Thanh niên tình nguyện (TNTN) vì cuộc sống cộng đồng của tuổi trẻ phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN), phát huy vai trò của ĐVTN tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Nhân dân huyện Lục Yên bê tông hóa đường giao thông.

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Lục Yên đã phối hợp với các tổ chức thành viên, chính quyền các địa phương, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Ảnh minh họa.

Ngày 31/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh đã ký ban hành Công văn số 1614-UBND/VX về việc xây dựng phương án triển khai thí điểm mô hình xe đạp công cộng phục vụ du khách

Những kinh nghiệm khi tham gia thực hiện Dự án “Quản lý cộng đồng và tăng cường nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số Tày và Mông để cải thiện điều kiện sống” và các tiểu dự án sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Mông, nhất là hội viên phụ nữ làm quen và phát huy hiệu quả làm việc nhóm khi tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục