Nà Hẩu hướng đến giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/6/2022 | 7:11:57 AM

YênBái - Gia đình anh Cư A Chúng, thôn Ba Khuy là hộ nghèo nhiều năm nay. Đầu năm 2021, anh được hỗ trợ vay vốn nuôi trâu nái, gà, trồng quế, đến nay đã thoát nghèo. Anh Chúng là một trong nhiều hộ ở xã Nà Hẩu được hỗ trợ xóa nghèo ở địa phương.

Hộ nghèo xã Nà Hẩu nhận hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế.
Hộ nghèo xã Nà Hẩu nhận hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế.

Gia đình anh Cư A Chúng, thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên là hộ nghèo nhiều năm nay. Thiếu vốn, thiếu kiến thức để phát triển kinh tế nên cuộc sống gia đình anh cứ quẩn quanh trong đói nghèo. Đầu năm 2021, anh được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, lại được Hội Nông dân xã hỗ trợ 1 triệu đồng mua gà giống, thức ăn và tham gia lớp tập huấn chăn nuôi, trồng rừng. 

Từ số tiền vay, anh Chúng đã mua 1 con trâu nái về nuôi, sửa lại hệ thống chuồng trại để nuôi gà, mua thêm quế giống về trồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn để quay vòng đồng vốn, cuối năm 2021, anh Chúng đã xuất bán được 3 lứa gà. Có thêm đồng vốn, anh lại tiếp tục mua thêm 300 con gà giống về nuôi, đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo. 

Gia đình anh Mùa A Hành, thôn Bản Tát cũng là hộ nghèo nhiều năm qua. Năm 2021, gia đình anh được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, được hỗ trợ đôi lợn giống của Sở Nội vụ (đơn vị phụ trách đỡ đầu xã). Sẵn có diện tích đất rộng, với số tiền được vay, anh mua quế giống về trồng, mua gà đen về nuôi.

Đến nay, anh đã có trên 1 ha quế 2 - 4 năm tuổi, gần 100 con gà đen, gần 20 con lợn. Trừ chi phí đầu tư, thu nhập bình quân mỗi năm đạt trên 70 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, anh Mùa A Hành còn giúp đỡ nhiều hộ trong thôn về cây, con giống để vươn lên thoát nghèo. 

Anh Hành cho biết: "Đàn gà đen tôi duy trì khoảng 100 con, khi có việc thì bán bớt rồi lại tiếp tục nhân giống. Đàn lợn năm nay tôi sẽ bán hết, chỉ để lại lợn nái nhân giống; quế sang năm có thể tỉa thưa được. Nếu biết tính toán, chăm chỉ làm lụng thì chuyện thoát nghèo không còn là chuyện khó”.

Năm 2022, xã Nà Hẩu phấn đấu giảm 10,53% hộ nghèo, tương ứng với 48 hộ, đạt 100% kế hoạch huyện giao, phấn đấu đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo còn 44,69%, tương ứng với 206 hộ theo tiêu chí mới. 

Đảng ủy, chính quyền xã đã quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của huyện thành kế hoạch, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của địa phương.  Xã chỉ đạo các đoàn thể, tăng cường công tác vận động xã hội hóa trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo như: hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ cây giống, con giống, hỗ trợ về kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ gạo trong dịp tết và dịp giáp hạt... để giúp đỡ các hộ nghèo bớt đi khó khăn, có thêm nguồn lực và động lực để vươn lên thoát nghèo; phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã phụ trách từng thôn, bản, phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ, đơn vị phụ trách giúp đỡ xã để làm tốt công tác giảm nghèo; phân loại chính xác đối tượng nghèo để kịp thời có các chính sách, giải pháp, biện pháp phù hợp. 

Cùng với đó, UBND xã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện để các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Tính riêng trong năm 2021, đã có 10 hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế với số tiền 405 triệu đồng. 

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giải ngân cho 9 hộ vay vốn với số tiền 440 triệu đồng, nâng tổng số dư nợ đến thời điểm này đạt gần 7 tỷ đồng, với 176 hộ nghèo và cận nghèo trong toàn xã được vay vốn. 

Mỗi năm, xã phối hợp mở từ 5 - 7 lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, mỗi lớp thu hút từ 50 - 70 người tham gia. Từ đó, giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thêm kiến thức để phát triển kinh tế gia đình. 

Ông Vũ Xuân Bá - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết: "Với đặc thù của xã vùng cao có tới 98% dân số là đồng bào Mông, bởi vậy, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Bằng hình thức cầm tay chỉ việc, phân công cán bộ chuyên môn hướng dẫn tận tình cho người dân từ việc chăn nuôi, trồng rừng... một cách cụ thể nhất. Hàng năm, UBND xã đều tổng kết đánh giá công tác giảm nghèo. Từ những mô hình hiệu quả sẽ chỉ đạo, xây dựng nhân rộng ra các thôn, bản khác để các hộ nghèo học tập và làm theo".

"Triển khai thực hiện hiệu quả một số chính sách, tư liệu sản xuất của Nhà nước với các đối tượng thuộc hộ nghèo, đối tượng yếu thế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn kết hợp với vận động đồng bào đổi mới phương thức tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng giá trị cây trồng vật nuôi. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về giáo dục, y tế, nhà ở, ưu đãi tín dụng đúng đối tượng để các hộ dân thoát nghèo bền vững”, ông Bá nói thêm. 

Lê Thanh

Tags Nà Hẩu rừng Nà Hẩu gà đen Nà Hẩu thoát nghèo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục