Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh Lao của Yên Bái ở mức 27/100.000 dân. Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp, đủ thời gian. Ngược lại có thể trở thành lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc hoặc tử vong nếu không được phát hiện sớm, không điều trị đúng phương pháp và không đủ thời gian.
Bác sĩ Chuyên khoa II Bạch Xuân Thủy - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: "Hàng năm, Bệnh viện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế của các đơn vị chống lao tuyến huyện đến cơ sở về chương trình phòng, chống lao. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chống lao ở các huyện, thị, thành phố truyền thông trực tiếp về bệnh lao. Từ đó, truyền thông đến người dân, nâng cao hiểu biết về phòng, chống bệnh lao. Hơn thế, chúng tôi tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát chương trình phòng, chống lao tại các tuyến cơ sở".
Mặt khác, Bệnh viện Phổi tỉnh tổ chức triển khai quy trình giám sát chương trình phòng, chống lao tuyến huyện, xã; lồng ghép các chương trình tập huấn về chuyên môn trực tiếp tại cơ sở đem lại hiệu quả và tiết kiệm thời gian, kinh phí cho bệnh viện và các đơn vị tuyến huyện.
Bệnh viện có 48 cán bộ, trong đó, 15 bác sĩ, 6 dược sĩ... đã thực hiện tốt việc phát hiện, điều trị các bệnh nhân mắc bệnh lao và các bệnh về phổi, cũng như công tác chỉ đạo tuyến. Ngoài ra, các y, bác sĩ còn tích cực tuyên truyền, tư vấn cho bệnh nhân cách phòng tránh lây bệnh cho người thân, thời gian điều trị bệnh, uống thuốc đúng cách và làm các xét nghiệm HIV... Đồng thời, đội ngũ y, bác sĩ luôn được đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Đến hết năm 2021, toàn bộ hệ thống chống lao của tỉnh đã khám lao cho 9.330 lượt người, phát hiện 223 bệnh nhân lao mới, thu dung đưa vào quản lý điều trị (đạt 81,1% kế hoạch năm), trong đó, có 66,7% lao phổi AFB(+) (bệnh nhân lao phổi AFB(+) là nguồn lây bệnh chính cho cộng đồng); 98,4% lao phổi AFB(-) và lao ngoài phổi.
Bệnh nhân N.V.D ở tổ 41, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái hiện đang điều trị tại Bệnh viện chia sẻ: "Thời gian trước đây, tôi thấy người mệt mỏi, thường xuyên bị sốt không rõ nguyên nhân, tưởng chỉ bị ốm do thay đổi thời tiết. Khi đến đây khám và được chẩn đoán bị tràn khí màng phổi do kén phổi. Sau thời gian điều trị, được các bác sĩ chăm sóc tận tình, hướng dẫn cách uống thuốc và cách phòng tránh cho người thân trong gia đình. Đến nay, sức khỏe đã tiến triển tốt”.
Còn bệnh nhân Đ.T.K ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn cho biết: "Em bị ho gần một tháng cả đêm và sốt, không ngủ được, bị sút cân, hỏi thuốc uống không đỡ. Khi được chuyển đến khám tại Bệnh viện được chẩn đoán là lao phổi AFB(+) và được điều trị thuốc lao. Đến nay, qua 10 ngày điều trị đã ăn và ngủ được, người khỏe hơn. Em thấy Bệnh viện này sạch sẽ, khang trang, các thầy thuốc chu đáo, tận tình lắm!”.
Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn thiếu hiểu biết về bệnh lao, bệnh phổi, nhất là đồng bào dân tộc ít người, đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa là những khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh lao và bệnh phổi. Đa số mắc bệnh nhưng chỉ đến trạm y tế khám do điều kiện kinh tế hạn chế, vì thế khi bệnh nặng mới đến bệnh viện nên nhiều trường hợp khi đến bệnh viện điều trị đã trong tình trạng bị tổn thương ở mức độ nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị, tăng nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, sự mặc cảm, chủ quan không tuân thủ phác đồ điều trị của người bệnh và định kiến về bệnh lao của cộng đồng là những thách thức không nhỏ đối với công tác phòng, chống lao.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống lao, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Bạch Xuân Thủy cho biết thêm: "Ngoài các biện pháp chuyên môn, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đầu tư về nhân lực, vật lực và kinh phí; sự hiểu biết và tham gia tích cực của cả cộng đồng trong phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian để khống chế, tiến tới đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030”.
Trần Minh