Trước đây, gia đình bà Phạm Thị Dịu ở thôn Hương Lý, xã Đại Đồng gặp nhiều khó khăn bởi chưa biết cách làm ăn và thiếu vốn. Nhưng kể từ khi tiếp cận được nguồn vay vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cuộc sống của gia đình bà không ngừng khởi sắc.
"Trong các năm 2017 và 2021, gia đình tôi được vay trên 100 triệu đồng để nâng cấp công trình nước sạch, đầu tư vào chăn nuôi, mở rộng trang trại, trồng rừng. Hàng năm, tôi được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, đến nay, gia đình tôi đã có trên 5 ha cây keo đang phát triển tốt. Đồng thời chú trọng chăn nuôi lợn, gia cầm nên đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình” - bà Dịu chia sẻ.
Là xã vùng II của huyện, xã Cảm Nhân có 13 thôn, với 2.206 hộ. Những năm qua, nguồn vốn tín
tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã giúp cho địa phương này thực hiện có hiệu quả công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nguồn TDUĐ thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, gia đình chính sách phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp nhiều gia đình xây được nhà mới, nhiều học sinh, sinh viên được hỗ trợ học tập chu đáo.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch UBND xã Cảm Nhân cho biết: "20 năm qua, UBND xã đã phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho hơn 4.510 lượt hộ nghèo và các ĐTCSK được vay vốn. Đến 30/06/2022, dư nợ toàn xã đạt 56.560 triệu đồng và có 1.209 hộ vay vốn. Trong đó, nhiều năm liền không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Nhờ nguồn vay ưu đãi, đã thúc đẩy các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác (ĐTCSK) trong xã vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Sau 20 năm triển khai chính sách TDUĐ đối với người nghèo và các ĐTCSK theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Yên Bình đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là công tác giảm nghèo bền vững. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% các xã, thị trấn với 15 chương trình TDUĐ như: cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường… với 328 tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 12.000 khách hàng vay vốn.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Yên Bình đạt gần 600 tỷ đồng (tăng trên 562 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao); trong đó, Hội Nông dân dư nợ trên 154 tỷ đồng; Hội Phụ nữ dư nợ trên 261 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên dư nợ trên 178 tỷ đồng.
Toàn huyện có trên 15.000 lượt hộ nghèo và các ĐTCSK được vay vốn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 109% với trên 14.881 hộ nghèo và các ĐTCSK còn dư nợ, góp phần giúp trên 45.000 lượt hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 1.300 lao động, xây dựng trên 23.720 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng được 435 nhà ở, đầu tư trồng và chăm sóc 19.000 ha rừng, duy trì và phát triển đàn trâu, bò đạt 24.231 con.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Có được kết quả trên, trước hết, Huyện ủy đã làm tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ".
Cùng đó, huyện chú trọng chỉ đạo và gắn trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã, thị trấn trong việc lãnh đạo, triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là đảm bảo cho vay đúng đối tượng thụ hưởng và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, nâng cao hiệu quả vốn TDUĐ.
Huyện Yên Bình còn tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, đã huy động được sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội dành cho người nghèo và các ĐTCSK. Đặc biệt, huyện đã xây dựng được hệ thống điểm giao dịch cố định tại 100% các xã, thị trấn, nên đã tăng cường được khả năng tiếp cận các dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các ĐTCSK với cách thức "phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.
Đây được xem là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và là một đặc thù riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 78 của Chính phủ còn góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng lên rõ rệt; đồng thời, giúp Yên Bình phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Văn Tuấn