Thuốc Tamiflu có chữa được cúm A không?

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2022 | 7:48:40 AM

Tại một số tỉnh, thành phố phía bắc, trong đó có Hà Nội, Quảng Ninh đang ghi nhận nhiều ca mắc bệnh cúm. Hiện tượng này có bất thường không và thuốc Tamiflu có chữa được cúm A không?

BS. Vũ Quốc Đạt: Do điều kiện khí hậu, thời tiết, khu vực phía Bắc thường ghi nhận đỉnh dịch của bệnh cúm vào khoảng tháng 7 và tháng 1, vì vậy, chúng ta đang ở giai đoạn đỉnh dịch của bệnh cúm.
BS. Vũ Quốc Đạt: Do điều kiện khí hậu, thời tiết, khu vực phía Bắc thường ghi nhận đỉnh dịch của bệnh cúm vào khoảng tháng 7 và tháng 1, vì vậy, chúng ta đang ở giai đoạn đỉnh dịch của bệnh cúm.

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã trao đổi với BS. Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm (Đại học Y Hà Nội), thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO xung quanh vấn đề này.

- Theo nhận định của ông, dịch cúm hiện nay ở miền Bắc có được gọi là bất thường không?

BS. Vũ Quốc Đạt: Ở miền Bắc nước ta hiện nay đang ghi nhận nhiều ca bệnh cúm, điều này không bất thường. Thực tế từ nhiều năm trước, do điều kiện khí hậu, thời tiết, khu vực phía Bắc thường ghi nhận đỉnh dịch của bệnh cúm vào khoảng tháng 7 và tháng 1 hằng năm. Vì vậy, chúng ta đang ở giai đoạn đỉnh dịch của bệnh cúm và việc ghi nhận nhiều ca bệnh là điều hoàn toàn bình thường.

Ở những khu vực khác của nước ta, virus cúm có thể lưu hành vào mùa Đông Xuân và đã được dự báo.

Virus cúm có 3 tuýp khác nhau là A, B, C. Trong đó, virus có độc tính cao nhất là virus cúm A. Tuy nhiên, virus cúm A lại có nhiều chủng khác nhau và được gọi tên từ 2 kháng nguyên H và N, trong đó, có tới 11 kháng nguyên H, 19 kháng nguyên N. Như vậy, có tới hàng trăm chủng virus cúm A khác nhau.

Virus cúm A hiện nay đang lưu hành ở nước ta là virus cúm mùa, khác với cúm A độc lực cao như cúm gia cầm. Virus cúm mùa có độc lực thấp hơn, chủ yếu lây từ người sang người, trong khi đó virus gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Cúm mùa có các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.

- Hiện nay, không ít người dân tự mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm tại nhà. Theo ông, Tamiflu được sử dụng chữa bệnh cúm như thế nào?

BS. Vũ Quốc Đạt: Người dân không nên tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm, vì thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng, hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. Với những người không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết.

Nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách, sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Giống như vi khuẩn, virus cũng có khả năng kháng thuốc điều trị, nên việc sử dụng Tamiflu quá mức có thể gia tăng sự xuất hiện virus kháng thuốc. Điều đó làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng.

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới có rất ít thuốc có khả năng điều trị cúm. Vì vậy, nếu người dân tự ý dùng thuốc, không theo đơn của bác sĩ, chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc.

- Vậy bệnh cúm có điều trị được bằng kháng sinh không, thưa ông?

BS. Vũ Quốc Đạt: Kháng sinh không có tác dụng với virus cúm, vì vậy việc sử dụng kháng sinh trong trường hợp bệnh nhân cúm thường, hoặc cúm không triệu chứng cũng không cần thiết.

- Đối tượng nào bị bệnh cúm thì cần đến cơ sở y tế điều trị, thưa ông?

BS. Vũ Quốc Đạt: Bệnh cúm cũng giống như bệnh COVID-19, hay các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác. Người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế khi thấy bệnh tiến triển nặng, hoặc người có nguy cơ cao, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người cao tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh nền về phổi, tim mạch, gan, tiểu đường… phụ nữ mang thai, đặc biệt là mang thai 3 tháng cuối.

- Đối với những người điều trị cúm tại nhà, ông có khuyến cáo như thế nào?

BS. Vũ Quốc Đạt: Đối với những người mắc cúm tự theo dõi bệnh tại nhà không nên sử dụng kháng sinh nếu không có chỉ định của thầy thuốc.

Người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc kháng virus nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, hoặc có nguy cơ tiến triển nặng và có chỉ định của bác sĩ.

Tương tự như COVID-19, việc theo dõi cúm tại nhà sẽ đòi hỏi người bệnh phải cách ly, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hàng ngày, tránh lây bệnh cho người thân trong gia đình.

Đối với phụ nữ mang thai, nhất là mang thai trong 3 tháng cuối, cần có tư vấn của bác sĩ để theo dõi, kiểm soát thai nghén tốt hơn.

Hiện nay, bệnh cúm mùa đã có vaccine phòng bệnh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mỗi năm, nước ta ghi nhận từ 600.000 đến 1 triệu ca mắc cúm mùa. Từ đầu năm đến nay, một số tỉnh, thành phố phía bắc ghi nhận nhiều ca mắc cúm. Trong đó, Quảng Ninh ghi nhận khoảng 1.200 ca, Hà Nội ghi nhận khoảng 2.600 ca.

Tất cả các ca bệnh này đều là cúm mùa, không có triệu chứng nặng và chưa ghi nhận ca mắc cúm có độc lực cao như H5N1, H7N9. Điều này không bất thường so với các năm trước.
(Theo chinhphu.vn)

Các tin khác
Cụ bà 78 tuổi mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo chuyên gia y tế, theo chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch của bệnh cúm là khoảng tháng 10 đến tháng 12. Nhưng thời điểm này, số bệnh nhân mắc cúm lại tăng, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng.

Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh và truyền hình; thông tin điện tử...

Lãnh đạo VKSND thị xã Nghĩa Lộ trao đổi nghiệp vụ chuyên môn với cán bộ, kiểm sát viên.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tình hình tội phạm trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ vẫn diễn biến khá phức tạp: tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra.

Cán bộ hội liên hiệp phụ nữ cơ sở nhận chứng chỉ lớp bồi dưỡng cơ bản nghiệp vụ công tác Hội.

Đến nay, 100% cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, huyện đạt chuẩn chức danh; 95,5% chủ tịch Hội cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định; 100% cán bộ Hội, chi, tổ trưởng được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng do cấp ủy và Hội tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục