Từ lâu, tai nạn lao động trong quá trình thi công công trình đã trở thành vấn đề nhức nhối đối với các dự án xây dựng. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều công trình, không khó để bắt gặp hình ảnh công nhân sử dụng trang bị thiết bị bảo hộ lao động không phù hợp.
Anh Nguyễn Văn Quân, công nhân tại một công trình xây dựng dân sinh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi và những công nhân ở đây rất ít khi sử dụng thiết bị bảo hộ lao động như mũ, áo… vì cho rằng đây là công trình nhỏ, ít nguy hiểm. Chưa kể mặc áo, đội mũ làm việc trong những ngày nắng nóng sẽ rất khó chịu, ảnh hưởng công việc. Nhà thầu cũng chẳng mấy khi nhắc nhở cho nên chúng tôi cứ mặc bình thường cho thoải mái”.
Chính vì sự thiếu trách nhiệm của nhà thầu, sự chủ quan của người lao động đã dẫn đến hệ quả nhiều người gặp tai nạn lao động bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí tử vong. Gần đây nhất, ngày 11/7, tại công trình nhà ở liền kề C1-C2 ở phía đông đường Trần Đăng Ninh, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến hai người chết, hai người bị thương.
Theo thông tin ban đầu của cơ quan chức năng, trong quá trình thi công dầm sàn tầng bốn của công trình, xe bơm bê-tông thuộc Công ty CP Bê-tông Đăng Hải Đà Nẵng bị sự cố gãy cần bơm bê-tông rơi xuống trúng bốn công nhân đang thi công tại công trình.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh (Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng ANG Việt Nam) cho biết, thi công xây dựng, nhất là những công trình cao tầng nguy hiểm rất dễ xảy ra rủi ro. Vì vậy rất cần các biện pháp để bảo vệ an toàn lao động cho người lao động và phải có quản lý an toàn lao động khi thi công. Qua phân tích, đánh giá, có nhiều dạng tai nạn lao động tại các công trình xây dựng. Phổ biến nhất là rơi, ngã từ độ cao, các vật từ trên cao rơi trúng, sập công trình, giàn giáo, hầm, hào hoặc điện giật, cháy nổ.
Cũng không hiếm những chấn thương do công nhân đi lại bất cẩn bị vấp, ngã hoặc mang vác vật nặng trong một thời gian dài khiến cột sống, xương khớp bị ảnh hưởng. Nguyên nhân các vụ tai nạn đến từ nhiều phía. Nhiều nhà thầu, người sử dụng lao động không chú trọng huấn luyện an toàn lao động cho công nhân, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và đầu tư trang thiết bị không bảo đảm an toàn lao động. Ngoài ra, tại một số công trình, người lao động cũng thiếu ý thức, vi phạm quy trình an toàn lao động. Nhiều người thậm chí không muốn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Dự án xây dựng công trình TD School Mễ Trì (Hà Nội): Tại các công trình xây dựng, không chỉ công nhân, mà cấp quản lý như tư vấn giám sát, giám sát cũng phải có mũ, áo, giày bảo hộ lao động. Người làm việc ở các vị trí nguy hiểm như sơn bả, trát, vệ sinh công nghiệp mặt ngoài… phải có thêm dây an toàn bảo đảm kỹ thuật và có cảnh báo khu vực nguy hiểm; có người đứng giám sát tại khu vực thi công. Làm việc tại các khu vực thiếu ánh sáng thì phải có áo phản quang, cảnh báo an toàn. Nhiều nhà thầu sẽ xử phạt nặng nếu người lao động không tuân thủ các quy định nêu trên, kể cả cấp quản lý.
Luật sư Phạm Việt Hưng (Trưởng văn phòng luật sư Thiên Hưng và cộng sự) cho biết, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định, trước khi khởi công xây dựng, nhà thầu phải lập, phê duyệt thiết kế biện pháp thi công trong đó thể hiện được các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động. Các biện pháp bảo đảm an toàn, nội quy về an toàn lao động phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải có cảnh báo đề phòng tai nạn…
Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của hai người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%... có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Mức phạt tù có thể lên đến từ bảy năm đến 12 năm nếu làm chết ba người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên.
Mặc dù đã có chế tài xử phạt nghiêm khắc, tuy nhiên trên thực tế nhiều đơn vị xây dựng, người lao động vẫn thờ ơ trong việc bảo đảm an toàn lao động. Để hạn chế những tai nạn lao động đáng tiếc tại các công trình xây dựng, chủ đầu tư, người lao động luôn cần có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn.
Người sử dụng nguồn lao động cần đào tạo cơ bản, thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình, nhất là tăng cường tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đối tượng sử dụng lao động và có chế tài xử lý nghiêm khắc nếu không tuân thủ. Cơ quan chức năng địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm những công trình xây dựng vi phạm an toàn lao động...
(Theo Nhân dân)