Giao lưu mô hình câu lạc bộ (CLB) "Gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay là một minh chứng rõ nét cho điều này.
Chương trình giao lưu quy tụ những tiểu phẩm đa dạng về chủ đề, sâu sắc thông điệp qua sự thể hiện của 45 diễn viên không chuyên đến từ các CLB "Gia đình hạnh phúc” ở 9 huyện, thị, thành phố. "Đừng để trẻ em sinh ra trẻ em” vẫn là thông điệp thường được nhắc đến trong truyền thông về phòng, chống tảo hôn nhưng với tiểu phẩm đến từ CLB "Gia đình hạnh phúc” xã Suối Bu (Văn Chấn), thông điệp đó như được khắc sâu hơn trong tâm trí của khán giả và của chính người diễn trước sự đau khổ của "bà mẹ nhí” và đứa trẻ sinh ra - nạn nhân của tảo hôn cùng gia đình nhân vật trong tiểu phẩm.
Chị Vàng Thị Sư - Chủ nhiệm CLB "Gia đình hạnh phúc” thôn Ba Cầu - xã Suối Bu cũng là diễn viên tham gia diễn tiểu phẩm chia sẻ: "Chính bản thân mình khi trực tiếp tham gia tập luyện rồi diễn tiểu phẩm này cùng các anh, chị em cũng cảm thấy thấm thía, suy nghĩ, trăn trở nhiều hơn nữa về vấn nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại ở địa bàn vùng cao. Trong sinh hoạt của CLB "Gia đình hạnh phúc” ở thôn, mình sẽ tiếp tục cùng các thành viên chia sẻ, tuyên truyền nhiều hơn nữa về nội dung này để trẻ em vùng cao, nhất là trẻ em gái không trở thành nạn nhân của tảo hôn, để các em được đến trường khi còn ở tuổi đi học”.
Còn Chị Giàng Thị Sểnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Bu thì cho biết: "Xã Suối Bu chọn tiểu phẩm về chủ đề phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để mong sao có thể góp thêm tiếng nói tuyên truyền giúp làm giảm tình trạng này. Trong những tháng đầu năm nay, Hội đã tích cực tuyên truyền vận động được hai cặp không tảo hôn”.
Mua bán người luôn là vấn đề nóng và phức tạp, gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng đối với các nạn nhân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Mong muốn truyền tải sinh động các kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người, Hội LHPN Mù Cang Chải đã mang đến tiểu phẩm "Vạch mặt kẻ mua bán người”.
Chị Sùng Thị Mỷ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Do nhận thức của chị em phụ nữ trên địa bàn huyện còn hạn chế nên dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Vì thế, chúng tôi muốn thông qua tiểu phẩm này để có thể giúp khán giả, nhất là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn một số thủ đoạn dụ dỗ của những kẻ buôn người, có thêm kỹ năng để bảo vệ bản thân mình, không trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người, cũng có thêm hiểu biết để chuyên tâm làm ăn, sinh sống trên làng bản mình, chăm lo cuộc sống gia đình”.
Rất nhiều những thông điệp, kiến thức, kỹ năng... đã được truyền tải sinh động, thu hút như vậy qua các tiểu phẩm tại buổi giao lưu này, từ tiểu phẩm "Mẹ hiểu ra rồi” đến từ CLB "Gia đình hạnh phúc” xã Quy Mông (Trấn Yên) chuyển tải các thông điệp về xây dựng gia đình toàn mỹ, gia đình hạnh phúc; tiểu phẩm "Chuyện gia đình”đến từ CLB "Gia đình hạnh phúc” xã Phú Thịnh (Yên Bình) với các thông điệp gắn kết tình cảm, kết nối cảm xúc và yêu thương giữa các thành viên trong gia đình hay thông điệp bạo lực gia đình không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật được thấy rõ trong tiểu phẩm "Chuyện nhà ông Pọm” đến từ CLB "Gia đình hạnh phúc” thị xã Nghĩa Lộ...
Chị Nguyễn Thị Huyền - phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái tham dự buổi giao lưu chia sẻ: "Mình cũng luôn ý thức về việc quan tâm, chia sẻ với các con. Nhưng quả thực xem tiểu phẩm "Chuyện gia đình” chợt nhận thấy có lúc mình vẫn sao nhãng, mắc lỗi như người làm cha mẹ trong tiểu phẩm thể hiện. Bản thân mình cần phải quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa với các con để vun đắp cho hạnh phúc gia đình”.
Bà Giang Thị Thu Thủy - Giám đốc Phát triển vùng Yên Bái - Tuyên Quang (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam) nhận xét: "Truyền thông thông qua hình thức nghệ thuật là cách rất dễ để người ta tiếp nhận những thông điệp. Các thông điệp được chuyển tải một cách cô đọng vừa bằng hình ảnh và nội dung để người xem có thể liên hệ, liên tưởng tới cuộc sống gia đình. Hạnh phúc không phải là đích đến mà là một hành trình. Trong hành trình xây dựng hạnh phúc gia đình luôn cần sự tích cực và hướng đến những điều tốt đẹp của các thành viên gia đình, dù trải qua chuyện gì cũng luôn có nhau và cùng nhau. Các tiểu phẩm đã chuyển tải được thông điệp đó, như mục tiêu mà Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hướng tới là thúc đẩy các mối quan hệ tích cực trong mỗi gia đình và mỗi cộng đồng”.
Thu Hạnh