Dự án “Quản lý cộng đồng và tăng cường nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số Tày và Mông để cải thiện điều kiện sống”

Góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/8/2022 | 7:51:34 AM

YênBái - Sau hơn 3 năm triển khai Dự án “Quản lý cộng đồng và tăng cường nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số (DTTS) Tày và Mông để cải thiện điều kiện sống” do tổ chức Đoàn kết Quốc tế (SODI) tài trợ, Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em (DWC) đã tổ chức nhiều buổi tập huấn tại các thôn của 2 xã Hồng Ca, Việt Hồng, huyện Trấn Yên.

Người dân thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên được nghe giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội truyền đạt về Luật Bình đẳng giới.
Người dân thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên được nghe giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội truyền đạt về Luật Bình đẳng giới.

Hoạt động này giúp đồng bào DTTS các địa phương có Dự án nâng cao nhận thức về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, Luật Đất đai…, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Từ năm 2019, khi triển khai thực hiện Dự án tại 4 thôn khó khăn của huyện Trấn Yên là Bản Chao, Bản Vần, xã Việt Hồng; Khe Tiến, Bản Khun, xã Hồng Ca, Trung tâm DWC đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tìm hiểu nhu cầu về kiến thức pháp luật của nhân dân. 

Theo đó, Trung tâm xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng thôn. Tổ chức các buổi tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về QCDC ở cơ sở; quyền thừa kế; quyền trẻ em, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, hợp đồng dân sự; phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), Luật Bình đẳng giới... 

Tham gia tập huấn, anh Vừ A Chua, thôn Khe Tiến, xã Hồng Ca ấn tượng nhất với nội dung truyền đạt về QCDC ở cơ sở. 

Anh Chua chia sẻ: "Qua các buổi tập huấn, tôi hiểu thêm về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã. Các buổi tập huấn như thế này rất có ý nghĩa với người dân”. 

Theo ông Hoàng Minh Nhật - Trưởng bản Vần, xã Việt Hồng cho hay: "Qua lớp tập huấn vấn đề bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ, chúng tôi hiểu hơn về sự vất vả của phụ nữ nông thôn, phụ nữ DTTS, họ luôn là những người dành nhiều thời gian cho gia đình, không có thời gian để tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá, xã hội cũng như nâng cao trình độ học vấn, chưa kể những hành vi BLGĐ mà chúng tôi chưa nhận thức được như: bạo lực thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế hay bạo lực về tình dục… Từ đó, nam giới ý thức trách nhiệm hơn chia sẻ việc nhà với phụ nữ cũng như việc tự ý thức kiềm chế các hành vi BLGĐ”. 

Quá trình phổ biến pháp luật cho nhân dân, đồng bào DTTS có sự linh hoạt, được minh chứng cụ thể để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Với những thôn đông đồng bào DTTS, DWC nhờ nhóm nòng cốt dịch lại để người dân hiểu rõ nội dung. Từ sự nỗ lực của Dự án, nhận thức về pháp luật của đồng bào DTTS ở huyện Trấn Yên đã có sự thay đổi đáng kể. 

Bà Hà Thị Đóa - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Trước đây, đời sống của các gia đình trong bản còn nhiều khó khăn, phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi như: tình trạng BLGĐ, sinh nhiều con, bất bình đẳng giới hay tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…; chưa quan tâm đến các vấn đề pháp luật về hôn nhân, gia đình... Khi Dự án triển khai tại các thôn, bản này thông qua các buổi tập huấn, giáo dục pháp luật, người dân đã nâng cao nhận thức, tình trạng sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và BLGĐ giảm rõ rệt".

"Chị em được quan tâm chăm lo, các thành viên trong gia đình chia sẻ với nhau cùng vun đắp cuộc sống bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Từ các buổi sinh hoạt chung, người dân còn được làm quen và phát huy hiệu quả làm việc nhóm khi giải quyết các vấn đề của cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống”.  Bà Đóa nói thêm. 

Sau hơn 3 năm (2019 - 2022) triển khai Dự án "Quản lý cộng đồng và tăng cường nâng cao năng lực cho người Tày và Mông để cải thiện điều kiện sống”, Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em đã hỗ trợ các Bản Chao, Bản Vần, xã Việt Hồng; Khe Tiến, Bản Khun, xã Hồng Ca xây dựng 4 nhà văn hóa, 25 tiểu dự án với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ 260 triệu đồng.

Minh Huyền

Tags Yên Bái Dự án Quản lý cộng đồng dân tộc thiểu số Tày cải thiện điều kiện sống

Các tin khác

Chiều 16/8, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.

Quang cảnh hội nghị

Sáng 16/8, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" năm 2022.

Tiêm vaccine cho trẻ em tại bệnh viện.

Chính phủ đồng ý lộ trình tăng thêm bốn loại vaccine phòng rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, giai đoạn 2021-2030.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Chiều 16/8, Ban Quản lý Trung tâm hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) phối hợp với xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên tổ chức Tọa đàm truyền cảm hứng “Thanh niên khởi nghiệp - lập nghiệp” cho các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục