Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Theo Bộ Tài chính, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017 - 2021 đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25.000 tỷ đồng. Tinh giản biên chế đã tạo bước đột phá quan trọng, giúp cho bộ máy giảm cồng kềnh và giảm gánh nặng cho ngân sách.
Nhưng những kết quả đạt được vẫn được coi là khá khiêm tốn khi việc thực hiện tinh giản vừa qua ở không ít bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn còn mang tính cơ học, thậm chí hình thức.
Cả hệ thống chính trị hiện nay đã giảm 262.000 biên chế, tương đương hơn 20% so với năm 2015. Lần đầu tiên bộ máy không bị phình ra sau khi thực hiện tinh giản, nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn, vẫn còn nhiều điều chưa thể hài lòng. Vẫn còn tình trạng chưa quyết liệt, ngại va chạm, né tránh, nên việc xây dựng đề án kế hoạch tinh giản biên chế thực hiện chậm, một số bộ ngành địa phương chỉ tập trung tinh giản biên chế mà không chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức viên chức theo vị trí việc làm. Thực trạng này dẫn tới tình trạng bộ máy của nhiều đơn vị vẫn còn cồng kềnh, chưa đạt được mục tiêu yêu cầu đã đề ra.
Giảm cơ học có thể hiểu là chủ yếu mới tinh giản những người đến tuổi nghỉ hưu và xin về hưu trước tuổi, chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy. Câu chuyện này xảy ra ở nhiều địa phương, ban ngành.
Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ thừa nhận, việc tinh giản được thực hiện trong bối cảnh vừa làm vừa hoàn thiện thể chế. Ngay cả vấn đề vị trí việc làm, mặc dù chúng ta đã triển khai một thời gian tương đối dài, nhưng do cách tiếp cận chưa thật sự đúng hướng và khoa học để bố trí người theo vị trí việc làm, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chúng ta cũng chưa có điều kiện thực hiện được, vì thế nói tinh giản biên chế mới chỉ là giảm cơ học cũng phù hợp với kết quả thực tiễn.
Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Ngô Thành Can
Ở một góc độ khác, theo Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia), còn tình trạng cào bằng giữa các địa phương, đơn vị trong chỉ tiêu tinh giản biên chế, dẫn đến một số đơn vị khối lượng công việc lớn nhưng vẫn phải cắt giảm theo tỷ lệ chung.
"Việc chúng ta phấn đấu tinh giản biên chế 10% và kết quả đạt được là đáng ghi nhận, nhưng đối với những hạn chế bất cập như là tỷ lệ như nhau, cào bằng giữa các ngành nghề, khu vực… thì cần phải nghiên cứu để đảm bảo tính đặc thù. Một vấn đề nữa là tinh giản biên chế phải gắn với tổ chức bộ máy, tuy nhiên, các tổ chức còn chồng chéo và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thành Can phân tích.
Và theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, chính sự cào bằng cơ học này dẫn đến tinh giản biên chế tinh nhưng chưa gọn. Bởi nhiều khi thu gọn đầu mối nhưng vẫn chưa tinh giản được một cách rõ rệt, vẫn là phép cộng cơ học, cho nên, có những cơ quan, bộ, ngành, có những tỉnh, thành, tổng biên chế vẫn không thay đổi, mặc dù đầu mối giảm đi.
Ông Lê Như Tiến cho biết, đã từng kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Bộ Nội vụ và các cơ quan nội vụ của các cấp có tổng kết quá trình thu gọn bộ máy và tinh giản biên chế để xem xét hiệu quả đến đâu, có thực sự giúp thu gọn đầu mối và tinh giản được biên chế không.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, tinh giản biên chế nhưng vẫn phải đáp ứng được số người làm việc trong nền hành chính hiện nay trong các đơn vị sự nghiệp, nhất là lĩnh vực giáo dục và y tế, là việc khó, cần nhiều thời gian.
Bởi theo nữ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cùng lúc chúng ta phải giải quyết hai bài toán, vừa thực hiện mục tiêu giảm biên chế, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả tinh gọn để đáp ứng được hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, đơn vị sự nghiệp nói riêng, là một vấn đề còn khó khăn. Việc xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả, khung năng lực, vị trí việc làm của công chức, viên chức vẫn còn rất chậm, kỷ cương, kỷ luật của một số địa phương, đơn vị về quản lý công chức, viên chức còn chưa tốt.
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa
Như vậy, vừa tinh giản biên chế, vừa cơ cấu lại đội ngũ nhưng phải đảm bảo công việc thường xuyên cũng như tiếp tục nâng cao chất lượng công chức, viên chức theo vị trí việc làm với hệ thống tiêu chuẩn đồng bộ đang là thách thức rất lớn.
Để tinh giản biên chế không còn cơ học, đảm bảo cả về lượng và chất, để bộ máy hành chính phát huy hiệu quả cao hơn, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước, theo Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, giải pháp đầu tiên là xác định chuẩn biên chế từng cơ quan hành chính cần phải có. Muốn làm được như vậy, phải rà soát chức năng, nhiệm vụ liên quan. Thứ hai là công tác tuyển dụng cũng phải chuẩn trở lại và thứ ba là chuẩn rồi thì tiếp tục dùng những quy chuẩn đánh giá cán bộ, công chức. Trên cơ sở đó xác định người nào xứng đáng ở lại làm việc, người nào cần đưa ra khỏi bộ máy. Đây là câu chuyện lâu dài cần phải triển khai.
(Theo VOV)