Nhờ tham gia BHXH tự nguyện, nhiều người dân đã có lương hưu, giúp trang trải cuộc sống, an nhàn hơn khi tuổi già. Trải qua nhiều lần gián đoạn trong công việc, khi đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 12/2021, bà Vũ Thị Thúy Ngân ở xã Y Can, huyện Trấn Yên mới đóng BHXH bắt buộc được 18 năm. Như vậy, bà Ngân còn thiếu 2 năm để được hưởng chế độ hưu trí theo quy định hiện hành. Bà Ngân đã từng có ý định nhận BHXH một lần.
Song khi được viên chức BHXH huyện Trấn Yên giải thích về quyền lợi khi nhận lương hưu hàng tháng và những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần, bà Ngân quyết định tiếp tục tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện để được nhận lương hưu.
"Cũng may tôi đã nghe theo lời khuyên của cán bộ BHXH huyện tiếp tục tham gia BHXH nên bây giờ không phải lo lắng khi hàng tháng có gần 2 triệu đồng tiền lương hưu. Số tiền này giúp tôi trang trải cuộc sống, chủ động về kinh tế, cộng với ruộng vườn sẵn lúa, sẵn rau nên không phải phụ thuộc vào con cháu. Ngoài ra, tôi còn được cấp thẻ BHYT miễn phí nên yên tâm mỗi khi đau ốm phải đi viện” - bà Ngân chia sẻ.
Tương tự bà Ngân, ông Nguyễn Văn Thản ở xã Nga Quán đã từng công tác ở UBND xã Nga Quán và tham gia BHXH bắt buộc được trên 18 năm. Khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông Thản còn thiếu 1 năm 11 tháng đóng BHXH theo quy định.
Sau khi suy nghĩ kỹ và bàn bạc với gia đình, ông quyết định đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu. Sau khi hoàn thành thủ tục đóng tiền, ít ngày sau, ông Thản nhận tháng lương hưu đầu tiên với số tiền hơn 1,6 triệu đồng.
Ông Thản phấn khởi cho biết: "BHXH tự nguyện thực sự là chính sách an sinh mang đậm tính nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho nhân dân và người lao động, là giá đỡ "an sinh” cho tuổi già. Với mức lương hưu hàng tháng, tôi không phải phụ thuộc vào con cháu hay trở thành gánh nặng cho gia đình. Hơn nữa, tôi có thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95%, nên sau này nếu ốm đau sẽ được BHYT thanh toán chi phí KCB”.
Bắt đầu được nhận lương hưu từ tháng 10/2020 từ việc tham gia BHXH tự nguyện, bà Vũ Thị Vân ở tổ 5, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái rất phấn khởi. Bà Vân chia sẻ: "Hàng tháng, có đồng lương hưu cũng thấy bớt lo hơn vì mình cũng tự lo được cho bản thân mà không phải phụ thuộc vào con cái”.
Từ nhận thức và hiểu được ý nghĩ, những lợi ích thiết thực do BHXH tự nguyện mang lại nên không chỉ bà Nga, ông Thản, bà Vân mà những năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh có hơn 23.500 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gần 40% so với năm 2020, đạt gần 5,7% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có trên 24.130 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 75,64% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 256 người so với tháng trước và tăng 3.640 người so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Lò Xuân Thịnh - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh cho biết: "BHXH tỉnh đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền trực tiếp đối với người dân tại các thôn, bản, tổ dân phố thông qua sự phối hợp với các đại lý thu BHXH, BHYT tổ chức các buổi tuyên truyền theo nhóm nhỏ đến cụm dân cư, trực tiếp đến từng hộ gia đình nắm bắt hoàn cảnh thực tế từng người để tư vấn phù hợp về quyền lợi, mức đóng, phương thức đóng, từ đó vận động người dân tham gia; công tác tuyên truyền thực hiện theo phương châm kiên trì, bền bỉ.
Cùng với đó, BHXH tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền địa phương giao chỉ tiêu đến từng xã, phường, thị trấn; lãnh đạo BHXH tỉnh yêu cầu cập nhật số liệu hàng ngày, giao ban kiểm điểm hàng tuần về kết quả vận động và tập trung phát huy tối đa các kênh đại lý như: bưu điện, hội phụ nữ, UBND xã, phường, thị trấn… trong công tác vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Hồng Duyên